Từ hơn một tuần nay câu chuyện về việc các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử phụ trợ Việt Nam không sản xuất được cái ốc vít và chiếc sạc pin cho một hãng điện thoại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Ở góc độ nào đó, điều này thể hiện trình độ công nghệ và vị trí của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam ở mức yếu kém và không khỏi khiến giới doanh nghiệp “nóng mặt”. Tuy nhiên, thực tế vẫn là thực tế và dù có đau xót đến mấy cũng cần chấp nhận thực tại để bắt kịp xu hướng chung của thế giới.

oc_vit_1_ntvf.jpgĐã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần đón nhận những xu hướng đầu tư mới, trong đó có công nghiệp điện tử, công nghiệp (Ảnh minh họa)

Câu chuyện bắt đầu khi có thông tin: Samsung, hãng điện thoại Hàn Quốc có nhà máy sản xuất điện thoại ở Bắc Ninh mỗi năm cần khoảng 400 triệu sản phẩm dây sạc pin điện thoại, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được nên họ phải nhập khẩu từ nước ngoài…

Luồng ý kiến đầu tiên là chỉ trích, cho rằng trình độ công nghệ Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực điện tử quá yếu kém, đến cái sạc pin, ốc vít điện thoại cũng không làm được. Số khác cho rằng: để đạt tiêu chuẩn sản xuất sạc pin cho một thương hiệu lớn như Samsung không hề đơn giản; mỗi con ốc cũng phải qua những tiêu chuẩn rất khắt khe, ngặt nghèo và nhất là độ đồng đều của sản phẩm. Với quy mô hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất manh mún như hiện nay thì sản xuất được 400 triệu chiếc sạc điện thoại có lẽ phải huy động tới vài ngàn doanh nghiệp. Mà cả ngàn doanh nghiệp cùng làm như vậy, không thể đảm bảo được độ đồng đều tiêu chuẩn.

Điều đáng nói ở đây là: các nhà làm chính sách, cụ thể là chính sách công nghiệp lẽ ra phải dự báo được xu hướng toàn cầu hóa đó để tìm ra ngách thị trường phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Một thực tế nữa rút ra từ trường hợp này là doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa quen với việc liên kết – hợp tác khi đứng ở sân chơi rộng lớn toàn cầu.

Không chỉ chuyện cái sạc pin hay ốc vít điện thoại, câu chuyện nhập khẩu giống lúa cũng tương tự. Là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam mỗi năm vẫn phải nhập khẩu 70% giống lúa, chủ yếu từ Trung Quốc, Philippines… trong khi Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long từ vài chục năm nay đã sản xuất được nhiều giống lúa có năng suất cao, được đăng ký tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế. Tương tự như thế là chuyện giống rau. Năm ngoái, cả nước phải chi tới 500 triệu USD để nhập khẩu các loại hạt giống rau trong đó nhiều loại giống như cà chua, dưa chuột, cải bắp, su hào… Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất.

Hai câu chuyện sản xuất chiếc sạc pin và giống lúa tưởng không liên quan tới nhau nhưng cùng nói một điều: các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tư duy theo lối “tiểu nông”, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên đi chuyện đầu tư lâu dài, bền vững. Hơn nữa, chính sách công nghệ trong nước chưa hấp dẫn để các nhà đầu tư mạo hiểm trong những lĩnh vực mới, đảm bảo tính bền vững cho nhiều ngành sản xuất.

Không thể có một nền sản xuất nông nghiệp đủ mạnh nếu chúng ta phải đi nhập từng cân thóc giống, mỗi năm sẵn sàng chi hàng trăm triệu đô la nhập giống lúa, giống rau. Tương tự như vậy, dù nhỏ nhưng chiếc ốc vít, sạc pin ghi dấu sự tự chủ của nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu; không thể vì chê nhỏ mà bỏ qua cơ hội.

Malaysia, Singapore và gần đây là Trung Quốc đã không bỏ qua cơ hội trở thành “công xưởng” điện tử của thế giới. Giờ là lúc doanh nghiệp Việt Nam cần đón nhận những xu hướng đầu tư mới, trong đó có công nghiệp điện tử, công nghiệp./.