Sau vụ cháy xe chở xăng tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo – Hà Nội, Bộ Công Thương mới cho biết là cây xăng này đã bị loại khỏi qui hoạch kinh doanh xăng dầu của thủ đô từ cách đây hơn chục năm, chỉ được cấp phát trong nội bộ các đơn vị quân đội. Nhưng từ vụ việc đáng tiếc này còn làm lộ ra hàng loạt vấn đề đáng quan tâm.

Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhưng nguyên nhân nào cũng lấp ló cái lỗi chủ quan của con người. Nếu không có thông tin từ ngành Công thương thì mọi người làm sao biết được là Hà Nội từ lâu đã có qui hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

xang1.jpg
Vụ cháy khiến 9 cảnh sát PCCC phải nhập viện(Ảnh: V.Trần)

Theo đó, có tới 1/5 trong tổng số hơn 500 cửa hàng xăng dầu của thủ đô phải di dời hoặc cải tạo lại để đảm bảo an toàn cháy nổ. Vấn đề là trong việc này đặt ra mục tiêu thì không khó, nhưng khi thực hiện mới “trở đi mắc doanh nghiệp, trở lại mắc dân cư”.

Hầu hết các cây xăng nằm trong các khu dân cư - “những quả bom không hẹn giờ” - được xây dựng từ một vài chục năm trước đây, khi mật độ dân cư chưa đông như hiện nay. Rồi dần dần, cùng với đà phát triển của đô thị là nhà dân, công xưởng, sân tennis, quán nhậu… cứ “bủa vây” các cây xăng.

Bây giờ, di dời cây xăng hay di dời nhà dân, quán bia là điều không phải cứ nói ra là làm được ngay. Sự chủ quan ở đây là trong quá trình phát triển đô thị, qui hoạch dân cư, hạ tầng đô thị cũng như qui hoạch các ngành nghề sản xuất, dịch vụ không gắn kết, liên thông được với nhau, cứ mạnh ai nấy làm. Và tình trạng đó không chỉ có ở riêng Hà Nội, mà đã và đang tiếp tục diễn ra ở hầu hết các đô thị trong cả nước.

Trở lại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, theo lời kể ban đầu của nhiều nhân chứng thì xe bồn bị rò rỉ ống dẫn, xăng chảy theo rãnh nước ra ngoài gặp phải bếp than tổ ong của một quán cơm liền kề và gây cháy. Có nhân chứng thì cho rằng do đội ngũ xe ôm đứng ở cổng Bệnh viện 108 hút thuốc lá…

Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết đã mời Viện kiểm sát quân sự cùng điều tra và sẽ có kết luận về nguyên nhân vụ việc đáng tiếc này. Tuy nhiên, trước mắt có thể khẳng định rằng cây xăng 2B Trần Hưng Đạo không thường xuyên quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ, nhân viên cây xăng hôm đó đã lơ là, không làm hết trách nhiệm. Ở đây còn có phần trách nhiệm của chính quyền sở tại chưa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cây xăng thực hiện tốt việc phòng chống cháy nổ.

Hai căn nhà cạnh cây xăng bị lửa thiêu rụi (Ảnh: L.Thìn)

Chưa hết, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết là trong kho chỉ có 50 bộ quần áo chuyên dụng, nhưng hôm đó phải huy động tới hàng trăm người tham gia chữa cháy. 9 chiến sĩ nhập viện là đáng tiếc nhưng đó còn là thiệt hại nhẹ. Xe chữa cháy thì già nửa tổng số đã sử dụng 15 – 20 năm, phương tiện chữa cháy đụng đâu thiếu đó. Quả đúng là “cháy xe chở xăng ra than tổ ong”, hòn than có rất nhiều lỗ hổng và lỗ nào cũng nóng đỏ.

Còn một lỗ hổng chủ quan của con người cần nhắc tới ở đây. Đó là, mặc dù đã có luật, nhưng việc phòng cháy chữa cháy từ trước tới nay vẫn chỉ được coi như khẩu hiệu mang tính động viên nhiều hơn là chế tài. Ví dụ điển hình là hầu hết các cây xăng hiện nay đều gắn biển “không được sử dụng điện thoại”, nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng, nhưng đó chỉ là qui định chứ chưa thấy mấy người bị phạt, nhiều khách hàng vẫn hồn nhiên sử dụng điện thoại di động tại các cây xăng.

Ðã có nhiều bài học từ thái độ chủ quan, mất cảnh giác với “bà hỏa”, nhưng một bộ phận người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị đầu mối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống cháy nổ, hoặc có quan tâm nhưng lâu lâu không thấy mất an toàn thì lại sao nhãng.

Vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo thêm một tiếng chuông cảnh báo cho các đô thị trong cả nước sớm thực hiện có hiệu quả qui hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu, với tiêu chí hàng đầu và tiên quyết là phòng chống cháy nổ. Đồng thời với việc này cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người, làm sao để ai ai cũng thường xuyên nhắc nhở nhau về phòng chống cháy nổ, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh./.