Việt Nam được Tổ chức minh bạch quốc tế xếp vào nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Thế nhưng mới đây, sau Khánh Hòa, đã có thêm một đơn vị 10 năm không có tham nhũng xuất hiện. Đó là Bộ LĐ-TB và XH. Đây là tin vui đối với ngành, địa phương nhưng lại gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nghi vấn trong dư luận. Băn khoăn vì không biết đây có phải là sự thật. Lo lắng vì nếu kết quả này không phản ánh đúng thực tế thì lại tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng vị trí của mình để tham nhũng, vơ vét cho bản thân. Và nghi ngờ vì rõ ràng, người dân, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này vẫn kêu ca bị làm khó… mà lại không có chuyện tiêu cực bị thanh tra phát hiện thì liệu có tin được không?
Trong lúc này, với nhiều nước trên thế giới, tham nhũng là vấn nạn quốc gia. Chính vì thế với một đơn vị “sạch” tham nhũng thì quả là đáng quí. Nhưng cũng giống như công tác thống kê, dự báo, nếu báo cáo kết quả không chính xác thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng và sẽ chẳng bao giờ chúng ta giảm được tham nhũng.
So sánh có thể khập khiễng, nhưng thông tin “10 năm chưa phát hiện tham nhũng” khiến người ta liên tưởng đến thành tích cả nước có 80-90% gia đình văn hóa nhưng an ninh trật tự xã hội vẫn là vấn đề nhức nhối; bạo hành, bạo lực gia đình vẫn phổ biến… Và dễ thấy nhất là người dân ra đường khi tham gia giao thông thì “mạnh ai nấy chạy” chẳng có một trật tự, văn hóa nào cả. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có lần bày tỏ băn khoăn về vấn đề này và ông cho rằng cần phải xem xét lại cách đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa.
Trong công tác phòng chống tham nhũng cũng như vậy, đơn vị nào tổng kết công tác này cũng khẳng định qua các đợt kiểm tra nội bộ và thanh tra, không phát hiện công chức vi phạm quy định về nhận, nộp lại quà tặng và vi phạm về quy định kê khai tài sản, thu nhập. Một đất nước mà các cơ quan từ Trung ương tới địa phương “sạch bóng” tham nhũng mà sao công tác phòng, chống tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước coi là nhiệm vụ trọng tâm của mình?
Dễ thấy, vào các ngày lễ tết, đơn vị nào cũng báo cáo không có tình trạng vi phạm về nhận, nộp quà nhưng người đi quà tết vẫn nườm nượp. Vậy những người này họ mang quà đi đâu mà lại không phát hiện những sai phạm trong việc biếu, nhận quà. Có lẽ việc biếu – nhận đã trở thành chuyên nghiệp đến mức không một nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát nào phát hiện ra.
Ở đây, đặt ra một số câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng: Cơ quan thanh tra, giám sát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hay đã bị vô hiệu hóa? Hàng năm, các đơn vị này tổ chức hàng trăm, hàng nghìn cuộc thanh tra mà không phát hiện sai phạm để xử lý, vậy tình trạng tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng đang ở mức báo động? Sạch tham nhũng có đồng nghĩa với việc thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa tối đa để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp?... Còn nhiều lắm những câu hỏi đặt ra sau kết luận “sạch tham nhũng”.
Chúng ta đánh giá chúng ta trong sạch. Nhưng theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2014, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, điểm số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam không thay đổi trong 3 năm liên tiếp (2012 - 2014), trong khi đa số các quốc gia láng giềng đã được cải thiện đáng kể, tăng từ 1 đến 3 điểm. Theo đánh giá của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cảm nhận về tham nhũng không thay đổi cho thấy, người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng quốc gia.
Phải hơn 10 ngày nữa (vào ngày 27/1/2016), Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) mới công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng lần thứ 21. Với những kết quả được thông tin ban đầu về phòng chống tham nhũng, không lẽ, sau 3 năm “tham nhũng ổn định” (tức không có bất cứ chuyển biến nào) thì năm nay Việt Nam lại có bước tiến vượt bậc trong công tác này?/.