Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Câu chuyện đảm bảo ổn định giá cả năm nào cũng nóng vào dịp trước và sau tết Nguyên đán. Thế nhưng, chương trình bình ổn giá triển khai hàng chục năm nay lại không giảm được nỗi lo giá cả phi mã của người dân.

Kể từ khi chương trình bình ổn giá đầu tiên được thực hiện tại TP HCM năm 2002, đến nay các địa phương đã có hơn 10 năm triển khai bình ổn giá những dịp trước, trong và sau Tết. Thời gian đầu, hoạt động bình ổn giá thực sự đã phát huy được hiệu quả, khi lượng hàng hóa thiết yếu bán trong siêu thị với mức giá bình ổn đã làm dịu cơn sốt khi có biến động về giá. Thế nhưng, tới nay, bình ổn giá đã trở thành lối mòn quá cũ. Vì sao lại có tình trạng này?

binh_on_gia_2_zeka.jpg
Nhiều hàng hóa được bình ổn giá trong dịp Tết (ảnh minh họa: báo Bạc Liêu)

Đó là biểu hiện không tương thích giữa cách thức tổ chức bình ổn giá với thực tế của thị trường. Đã trải qua 12 năm kể từ những chương trình bình ổn giá đầu tiên, đến nay các địa phương vẫn áp dụng chung một phương thức là lựa chọn một số đầu sản phẩm rồi cung cấp vốn cho một số doanh nghiệp, chủ yếu là các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp thương mại thuộc sự quản lý của Sở Công thương để những đơn vị này đưa ra bán với mức giá thấp hơn giá thị trường 10 – 15%. Cách làm này chỉ có thể có hiệu quả khi thị trường còn ít sự cạnh tranh, như thị trường bán lẻ của Hà Nội, TP HCM 12 năm trước, hay thị trường một số địa phương vùng sâu, vùng xa hiện nay. Khi đó, chỉ cần có một lượng không quá lớn hàng hóa thiết yếu giá cạnh tranh là đủ để các tiểu thương phải cân đối lại giá bán ra cho hợp lý hơn.

Tuy nhiên, với sự phát triển của sản xuất và thương mại hiện nay, ví dụ như mặt hàng dầu ăn đã có hàng trăm loại, nếu chỉ bình ổn giá của 1 đến 2 loại thì sẽ chỉ như muối bỏ bể, không đủ khả năng tác động đến mặt bằng giá chung. Nguồn vốn bị san sẻ cho quá nhiều nhóm hàng, nhiều đơn vị kinh doanh cũng khiến cho hiệu quả bình ổn giá thấp, khi trên thực tế không còn những doanh nghiệp có khả năng chi phối thị trường theo hướng tích cực, trong khi tình trạng liên kết ngầm để làm giá giữa các doanh nghiệp lại xuất hiện nhiều, rất khó kiểm soát và xử lý. Đối tượng được lựa chọn để tham gia chương trình chủ yếu là doanh nghiệp thương mại quốc doanh, siêu thị nên chủ yếu chỉ tập trung ở các đô thị… trong khi theo thống kê của ngành bán lẻ, đến nay việc mua bán thông qua các kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 30% hoạt động mua sắm của người tiêu dùng và 70% người tiêu dùng nước ta đang sống ở khu vực nông thôn.

Thực tế đó đang đặt ra câu hỏi: nên tiếp tục chương trình bình ổn giá như thế nào để thực sự mang ý nghĩa “bàn tay can thiệp kịp thời của Nhà nước” khi có biến động giá tại địa phương? Trước hết, cần thay đổi cách nghĩ coi bình ổn giá như một chỉ tiêu trong hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Công thương các địa phương, vì với cách nghĩ đó, hoạt động bình ổn giá vẫn đi theo lối mòn. Cần có quỹ dự phòng phục vụ công tác bình ổn giá, nhưng chỉ nên sử dụng khi thực sự có biến động bất thường về mặt giá cả trên thị trường, tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh. Như vậy, cũng có thể hiểu bình ổn giá không phải là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Ngoài ra, khi có biến động giá bất thường, ngành Công thương cần sử dụng vốn bình ổn giá để mua và tung ra lượng lớn hàng hóa đang đột biến giá bán ở nhiều điểm bán lẻ trên khắp địa bàn để làm dịu lập tức cơn sốt giá và giảm thiệt hại cho người tiêu dùng nói chung, chứ không phải chỉ cho những khách hàng có thể đi mua sắm ở siêu thị. Cùng với đó cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân sốt giá để kịp thời xử lý vi phạm. Có làm được như vậy, thì bình ổn giá mới thực sự mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, công nhân lao động nghèo, những người có khó khăn./.