Liên quan đến công tác quản lý giá cước vận tải, từ ngày 1/12, Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ Tài chính và Bộ GTVT bắt đầu có hiệu lực. Trong danh mục dịch vụ phải kê khai giá cước, Thông tư quy định giảm từ 6 dịch vụ xuống còn 3 dịch vụ bao gồm vận tải ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi. Đồng thời, tăng thời gian phải kê khai giá từ 3 ngày lên 5 ngày trước khi thực hiện theo giá mới.
Trao đổi về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, giá cước vận tải phải thực hiện theo quy định của Luật giá và Nghị định 177. Đối với loại hình xe buýt, nhà nước thực hiện trợ giá và nhà nước quy định mức trần.
Đối với các doanh nghiệp phải kê khai giá, nhà nước sẽ nắm được trong cơ cấu giá thành bao gồm xăng xe, khấu hao, chi phí đầu vào… để quy định nộp thuế. Do đó, nếu doanh nghiệp kê khai tăng giá không đúng sự thật hoặc thu về cao hơn mức đăng kí để cạnh tranh không lành mạnh có thể sẽ bị đưa ra mức giá thấp hơn (loại bỏ những yếu tố an toàn để hạ giá).
“Hiện chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, do vậy cố gắng xây dựng quy định pháp luật phù hợp cơ chế thị trường, không nên có chủ trương “bắt ép” các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải đã có một thời gian dài hoạt động thông thoáng quá, nếu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thì dần dần sẽ nghiêm túc về quản lý vận tải và giá cước”, ông Hùng nói.
Ông Khuất Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý giá cước vận tải ôtô. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ nên hay không nên trong việc bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá. “Chúng tôi tin rằng Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ đầy đủ nhất”, ông Hùng cho hay.
Cũng trong ngày 1/12, Bộ Tài chính đã có công văn số 17496/BTC-QLG về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT/BTC-BGTVT gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn số 17496/BTC-QLG yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp giá xăng dầu. Trường hợp cần thiết thành lập đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15/12/2014.
Đối với việc thực hiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở GTVT tham mưu trình UBND cấp tỉnh xem xét bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương nếu thấy cần thiết trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương.
Hai đơn vị sẽ phối hợp thông báo danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn địa phương; phân công cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá của các đơn vị thuộc danh sách các đơn vị thực hiện kê khai giá trên địa bàn tỉnh, đơn vị có trụ sở hoặc chi nhánh hạch toán độc lập trên địa bàn tỉnh;
Đồng thời, Sở Tài chính và Sở GTVT thực hiện việc hướng dẫn, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng xe ô tô, giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn theo quy định của pháp luật; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai giá không phù hợp với tác động của yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các trường hợp chậm giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm sâu.
Ngoài ra, hai đơn vị này tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá và về thuế trên địa bàn đối với hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu nói chung, giá cước vận tải ô tô nói riêng./.