Vào lúc 14h30 ngày 30/10, một vụ cháy lớn xảy ra tại xưởng gỗ của Công ty Lâm sản Giáp Bát, số 32 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi thiêu rụi một xưởng gỗ, ngọn lửa còn lan sang một công ty sản xuất biển quảng cáo bên cạnh và phải sau hai giờ mới được dập tắt. Vụ cháy này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng chống cháy nổ.

Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin báo chí liên tục đưa tin về các vụ cháy lớn xảy ra ở nơi này nơi khác. Chỉ tính trong khoảng thời từ ngày 17-29/10, trong cả nước đã xảy ra ít nhất là 5 vụ cháy lớn, gây thiệt hại lớn về người và của. Còn theo báo cáo của Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc sở Cảnh sát PCCC TP HCM, tính từ đầu năm 2014 đến nay, tại TP HCM đã xảy ra 4 vụ cháy, nổ hóa chất làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 34 tỷ đồng…

Vì sao cháy nổ xảy ra nhiều và để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy? Nguyên nhân chính vẫn là sự chủ quan của con người. Trong vụ cháy nổ tại doanh nghiệp sản xuất phân bón, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự bất cẩn của chính các công nhân tham gia quá trình sản xuất phân bón. Còn trong vụ cháy mới nhất tại Hà Nội, theo phản ánh của người dân sống gần đó thì trước khi xảy ra cháy đang có một số thợ hàn làm việc trên mái nhà. Nếu đúng như vậy, không loại trừ khả năng do bất cẩn, tia lửa hàn bắn ra gây cháy.

chay_lon_prtl.jpg
Cháy xưởng gỗ của Công ty cổ phần Đồng Thanh phố (phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Dù đã xác định được nguyên nhân chính, nhưng việc phòng và chống cháy nổ vẫn rất khó thực hiện. Hàng năm, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy các địa phương đều tổ chức các đợt tuyên truyền phòng cháy chữa cháy cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng ý thức và sự hiểu biết của người lao động về vấn đề phòng chống cháy nổ vẫn rất thấp. Nhiều người vẫn dửng dưng với suy nghĩ, chuyện chẳng liên quan đến mình. Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền, tập huấn phòng chống cháy nổ ở các khu dân cư lại rất yếu. Thế nên vẫn còn khá nhiều cơ sở sản xuất sử dụng bình khí đốt, hóa chất dễ cháy… mọc lên trong các khu dân cư.

Thậm chí trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội vốn ngoắt nghoéo, đông dân và chật chội có cả cơ sở làm sắt với các thiết bị phục vụ cưa xẻ, hàn xì kim loại nhưng chủ cơ sở không hề trang bị một phương tiện phòng cháy chữa cháy nào. Và nhiều khi việc hàn, cưa, cắt sắt được thực hiện ngay cạnh một vài chiếc xe máy mà cả chủ cơ sở và người lao động vẫn ung dung. Hoặc có người vào đến cây xanh để đổ xăng vẫn phì phèo thuốc lá hay không tắt máy theo quy định.

Dân gian vẫn coi thủy - hỏa - đạo tặc là 3 nguy cơ lớn đe dọa đời sống con người. Trong đó “Thần lửa” bị xếp thứ hai chỉ sau “Thần nước” cho thấy sức phá của lửa mạnh mẽ như thế nào. Nguy cơ xảy cháy thể hiện một cách rõ ràng trong mọi hoạt động hàng ngày của chúng ta. Từ bình xăng của chiếc xe máy, bình gas của chiếc bếp, đến tàn của hương thắp trên ban thờ, tàn thuốc lá được ném ra… Tránh được cháy hay không là do ý thức của mỗi người trong cuộc sống. Chỉ đơn giản bằng việc trang bị những kỹ năng và nguyên tắc cơ bản nhất của công tác phòng cháy chữa cháy, bạn đã tránh được cho mình và những người xung quanh hiểm họa từ “Thần lửa”. Đừng dễ dãi và chủ quan, để rồi khi có chuyện lại tặc lưỡi “Trời kêu ai nấy dạ”./.