“Nền tảng tạo dựng doanh nghiệp là nhân lực, tài chính, ý tưởng sáng tạo; nhưng để phát triển quy mô, lan tỏa thương hiệu ngày càng vững mạnh, doanh nghiệp phải có bản sắc văn hóa. Điều này phải được khởi tạo bởi người sáng lập tâm huyết và cần sự hợp lực của người lao động qua nhiều thế hệ. Văn hóa doanh nghiệp tốt là trụ cột cho những thương hiệu mạnh, đóng góp chung vào nỗ lực phát triển kinh tế nước nhà”. Đây là tư tưởng cốt lõi – là thông điệp được đại diện Ban tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248) truyền tải, trong các đợt phổ biến kiến thức từ Bộ tiêu chí "Văn hóa kinh doanh Việt Nam".
Bà Dương Thị Liễu – Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam khẳng định: "Đối thủ có thể sao chép hầu như mọi thứ từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình, chỉ trừ một thứ duy nhất không thể sao chép hay đánh cắp được đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là cái riêng, là bản sắc doanh nghiệp mà từ đó tạo nên sức mạnh doanh nghiệp".
Thực tế, thời gian gần đây ở hầu hết các địa phương, các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã nhận diện được tính cấp thiết của vấn đề, từ đó triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Với Quảng Ninh - địa phương đang có hơn 17.600 doanh nghiệp hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề; bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng và cả nước chỉ đạo tích cực các sở, ngành, địa phương cộng đồng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh của Việt Nam... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam sẽ đảm bảo xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững, phát triển hài hòa dựa trên các trụ cột kinh tế văn hóa xã hội, môi trường và yếu tố cốt lõi là văn hóa".
Qua việc tuyên truyền mạnh mẽ, triển khai thực hiện bộ khung đầu tiên về văn hóa kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện; không chỉ những doanh nghiệp đã lớn mạnh, đã có thương hiệu, mà toàn thể cộng đồng doanh nghiệp phải nhận thức tốt hơn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để nền kinh tế có ngày càng nhiều hơn những doanh nghiệp phát triển bền vững. Đây cũng là căn cứ để các doanh nghiệp được xem xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.
Cụ thể hơn, GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Ban Tổ chức 248 cho biết: "Các tiêu chí bắt buộc là không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân trong xã hội; không vi phạm pháp luật. Sau khi đạt được 5 không này rồi phải đạt được 5 tiêu chí. Nhóm tiêu chí lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; các doanh nghiệp phải kinh doanh có đạo đức; kinh doanh có trách nhiệm, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đất nước".
Văn hóa kinh doanh chính là yếu tố cốt lõi - nền tảng, tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành hàng và toàn nền kinh tế. Với việc thúc đẩy triển khai toàn diện Bộ tiêu chí tại khu vực Đông Bắc và trên toàn quốc, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Ban Tổ chức 248 hy vọng góp phần khích lệ tính sáng tạo với những mô hình hay, cách làm mới trong doanh nghiệp, để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đóng góp vào tiến trình phát triển chung./.