Bí quyết thành công của phim Hàn là gì?
Những năm gần đây, điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý của ngành giải trí thế giới. Nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc như “Ký sinh trùng”, “Trò chơi con mực”… đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá như Oscar, gây tiếng vang tại các LHP nổi tiếng như Cannes, Toronto…
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong chia sẻ tại Hội thảo rằng: “Chúng tôi đang ở giai đoạn vàng với sự phát triển rực rỡ của điện ảnh, với nhiều tác phẩm gặt hái được vô số các giải thưởng lớn. Và Chúng tôi hay nhận được câu hỏi: bí quyết thành công của phim Hàn là gì?”.
"Phim Hàn thành công không phải do nội dung của phim Hàn đặc biệt, mà thay vào đó là chất lượng vượt trội. Cũng như người Hàn sống trong một xã hội dữ dội và đầy nhiệt huyết nên phim Hàn phản ánh chân thật xã hội đó", ông Park Ki Yong nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong, thành công của phim Hàn cũng nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy trong nhiều năm của đội ngũ sáng tạo. Hàn Quốc đã có một thời gian dài là thuộc địa, từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, hiện nay, Hàn Quốc đã thuộc nhóm giàu nhất. Để đạt được điều đó, Hàn Quốc đã có sự cố gắng hết sức mình.
Văn hóa phẩm của Hàn Quốc cũng hướng tới thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là sự thay đổi trong môi trường truyền thông mang tới cơ hội thành công. Điện ảnh Hàn Quốc cũng mở rộng đối tượng xem phim, không chỉ là ở lứa tuổi 20-30 mà ở mọi đối tượng. Cùng với đó, Hàn Quốc chú trọng mở rộng phát hành phim ở những thành phố vệ tinh.
"Với kinh nghiệm làm phim trên 30 năm, chính tôi cũng không ngờ đến ngày điện ảnh Hàn Quốc lại phát triển rực rỡ như hiện nay. Và dù đã thành công, chúng tôi cũng không dậm chân tại chỗ, đứng lại trên hào quang mà luôn trăn trở làm sao để tiếp tục phát triển bền vững nhất. Đại dịch COVID-19 đã tạo sự thay đổi của rất nhiều thứ, trong đó có điện ảnh. Sau đại dịch, người ta đặt ra câu hỏi sơ khai ban đầu đó là điện ảnh là gì, phim là gì? Điện ảnh phát triển theo hướng như thế nào? Chúng tôi cũng luôn trăn trở với câu hỏi này”, ông Park Ki Yong nói.
Cũng theo ông Park Ki Yong, sau đại dịch COVID-19, một yếu tố ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của điện ảnh là tốc độ. Làm phim nhanh, phản ánh thực trạng xã hội một cách nhanh nhất.
Ông Park Ki Yong cho biết, điện ảnh Hàn Quốc đặt ra những nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển sau đại dịch, đó là nâng cao năng lực, nuôi dưỡng thế hệ nhà sản xuất phim Hàn tiếp theo; Tăng cường toàn cầu hóa (khắc phục rào cản ngôn ngữ); khuyến khích nghiên cứu, phê bình học thuật; tăng cường nghiên cứu, phát triển giáo dục; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển điện ảnh…
Để người Việt không quay lưng với phim Việt
Trước sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc, Việt Nam học hỏi được gì là trăn trở của nhiều người trong nghề. Đạo diễn Công Hậu, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, thành viên BHC Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ băn khoăn, Việt Nam cũng có một nền điện ảnh phát triển từ hàng chục năm trước, nhưng tại sao khán giả Việt vẫn đôi khi quay lưng lại với điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, phim ảnh Hàn Quốc nói riêng, phim nước ngoài nói chung lại được chào đón mỗi khi ra rạp.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lotte Entertainment Việt Nam Lee Jin Sung cũng nhận định, năng lực làm phim của người Việt Nam rất tốt, có thể đạt ở tầm thế giới nhưng điều kiện tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ. Những khoảng trống này cần nhanh chóng có giải pháp lấp đầy, để dư địa tiềm năng của điện ảnh Việt Nam không còn bị lãng phí.
Ông Lee Jin Sung chia sẻ: “Hơn 20 năm trước, người Hàn Quốc cũng không xem phim Hàn Quốc mà chuộng phim nước ngoài. Đến thời gian phát triển nhất định, họ mới yêu thích phim Hàn. Nhưng những đạo diễn nổi tiếng ở Hàn Quốc không phải bây giờ họ mới làm việc mà đã làm việc cách đây 20 năm- là những dẫn dắt chủ đạo của điện ảnh Hàn Quốc”.
Theo ông Ko Jae Soo - Tổng Giám đốc CJ Việt Nam, điện ảnh Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm, yếu tố có thể áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, cần đa dạng hóa mục đích sử dụng của rạp chiếu phim và mở rộng đối tượng, phạm vi hưởng thụ điện ảnh. Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng nhiều rạp chiếu phim hơn nữa ở các địa phương.
Cùng với đó là mở rộng hơn nữa đối tượng của điện ảnh. Không chỉ là đối tượng 20-30 tuổi, điện ảnh sẽ phục vụ mọi lứa tuổi và hiện những người làm phim Hàn Quốc đang trăn trở làm những phim phục vụ đối tượng trung niên.
Ông Jung Tae Sung, Tổng Giám đốc CJ HK cho rằng, để phát triển điện ảnh Việt Nam, người Việt Nam phải ưu tiên xem phim Việt Nam, bởi hiện nay tỷ lệ người Việt xem phim Việt còn ít. Khi người dân Việt Nam chọn phim để xem, họ có định kiến nhất định với chính phim của nước mình và chưa ưu tiên xem phim Việt Nam lên hàng đầu.
Theo Tổng Giám đốc CJ HK, Việt Nam nên chú trọng đào tạo nhân lực cho điện ảnh. "Khi làm phim, chúng tôi xác định 4 yếu tố để có bộ phim hay: kịch bản; diễn xuất; quay phim và biên tập. Ở Việt Nam, kịch bản vẫn còn hạn chế, diễn xuất còn thiếu, chưa mời được đạo diễn có tiếng trên thế giới về hợp tác", ông Jung Tae Sung nhấn mạnh và đề xuất, Việt Nam cần tạo cơ hội cho những bạn trẻ trong đào tạo.
Ngoài ra, theo ông Jung Tae Sung, Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn nữa việc tải và xem phim lậu. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng tốn thời gian khá dài để loại bỏ việc xem, tải phim lậu./.