Là người bạn gắn bó mật thiết với Thanh Tùng, nhiều năm ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau - NSND Trần Bình có nhiều chia sẻ thú vị về người bạn, về người nhạc sĩ “tay chơi” đẹp trai, hào hoa “từng là điểm ngắm của nhiều cô gái Hà Nội”...

Sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng vào ngày 15/3 để lại cho khán giả nỗi tiếc nuối, xót xa còn đối với người bạn tâm giao, NSND Trần Bình là cả khoảng trống, sự hụt hẫng, bần thần. “Cũng vào buổi chiều như buổi chiều nay, tôi ngồi làm việc ở Nhà hát thì nhận được tin báo từ người nhà Thanh Tùng. Vẫn biết anh đau yếu nhiều năm, anh em cũng gặp gỡ thường xuyên nhưng nghe tin anh ra đi mà vẫn khó chấp nhận đến thế”, NSND Trần Bình trải lòng.

thanh_tung_la_nguoi_ken_xe_ken_an_va_ken_caban_szym.jpg
NSND Trần Bình cùng các nghệ sĩ đưa nhạc sĩ Thanh Tùng ra sân khấu trong đêm nhạc "Lối cũ ta về" 2012.

NSND Trần Bình bộc bạch, gần chục năm trở lại đây, Thanh Tùng yếu lắm. Có thể nói liveshow cuối cùng, “cuộc dạo chơi” cuối cùng của Thanh Tùng trong âm nhạc là liveshow “Một mình” năm 2008. Đây là liveshow Thanh Tùng ra mắt hai ca khúc mới, “Hoa cúc vàng”, “Chuyện cổ Nghi Tàm” và dành cho chương trình nhiều tâm huyết. Lần cuối trong đời, vị nhạc sĩ có thể đứng trên sân khấu, rưng rưng hòa giọng cùng Mỹ Dung với nhạc phẩm “Hoa cúc vàng” đầy rung động. Nhiều người đã rơi lệ trước tình cảm của vị nhạc sĩ dành cho người bạn đời đã đi xa...

Ít ai biết rằng trước đêm diễn, Thanh Tùng đã bất ngờ lịm đi và phải nhập viện vì vấn đề động mạch ở chân. Ít ai biết rằng, người nhạc sĩ rưng rưng hát trên sân khấu với đôi chân tê dại...

Nếu như liveshow năm 2008 là lần cuối cùng vị nhạc sĩ tài hoa có thể đứng hát trên sân khấu thì đêm nhạc “Lối cũ ta về” năm 2012 là lần cuối cùng Thanh Tùng xuất hiện trên sân khấu, dù chỉ ngồi xe lăn, chỉ cười và im lặng... NSND Trần Bình cho biết, trước đêm diễn vị nhạc sĩ cũng bị hạ đường huyết, lịm đi...

“Vì sức khỏe yếu, các chương trình về Thanh Tùng sau này, chúng tôi không đưa anh lên sân khấu nữa”, NSND Trần Bình cho biết. Rít hơi xì gà dài, Trần Bình nói, có quá nhiều kỷ niệm của ông gắn với Thanh Tùng...

“Thanh Tùng là người kén xe, kén ăn và kén cả...bạn”

NSND Trần Bình và nhạc sĩ Thanh Tùng biết nhau từ năm 1974 khi Thanh Tùng từ Bình Nhưỡng về. Cặp nghệ sĩ gắn bó từ năm 1989. “Đến năm 90, sau khi chị Minh - vợ anh Thanh Tùng mất, anh ra Hà Nội sống độc thân ở số 9 Nguyễn Thái Học. Anh thì vừa mất người vợ, tôi thì không vợ, hai anh em đi với nhau triền miên.

Theo NSND Trần Bình, Thanh Tùng là người rất để ý chuyện ăn mặc.

“Nhớ những chuyến lưu diễn năm 97-98, bao giờ hai anh em cũng ngồi ô tô cùng các nghệ sĩ như Bằng Kiều, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thu Phương, Phương Thanh... Bên cạnh đó, còn có đoàn múa, các nhóm hát. Tất cả ngồi trên xe ô tô, tôi và Thanh Tùng ngồi giữa cứ kể chuyện cho các ca sĩ, diễn viên nghe, từ chuyện nghề, chuyện tiếu lâm. Cứ đi vài trăm cây, dừng lại diễn rồi lại đi. Nếu nói về chuyện tếu, ăn nói có duyên thì Thanh Tùng là nhất”, NSND Trần Bình nhớ lại.

Ông cho biết, hai anh em không chỉ hợp nhau về nói chuyện, về chơi mà về công việc kết hợp cũng rất ăn ý.

Trước khi vợ nhạc sĩ qua đời, với tài kinh doanh của vợ, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ rong chơi và sáng tác. Sau này cảnh “gà trống nuôi con”, vị nhạc sĩ cũng dấn thân vào kinh doanh từ vũ trường, nhà hàng đến kinh doanh nước khoáng... Thập kỷ 90, vũ trường Metal, sản phẩm kinh doanh chung của Trần Bình và Thanh Tùng là địa chỉ quen của thanh niên thủ đô.

“Có thể nói trước và sau không có nhạc sĩ nào như Thanh Tùng vừa tài năng vừa kinh doanh giỏi. Người ta vẫn luôn nhớ đến anh với hình ảnh lịch lãm, hào hoa”, NSND Trần Bình nói.

Là người quảng giao, “tay ăn chơi” có tiếng nhưng Thanh Tùng cũng là người kỹ tính. Trong mắt bạn bè, ông là người kén ăn, kén mặc, kén xe (vị nhạc sĩ sở hữu khoảng 5-7 cái xe cổ để thay đổi) và kén... cả bạn. Vị nhạc sĩ có rất nhiều bạn nhưng bạn tâm đắc không nhiều.

Nhạc sĩ Thanh Tùng và Trịnh Công Sơn (Ảnh: TL).

Ngoài NSND Trần Bình, một số người bạn tâm đầu ý hợp, Thanh Tùng cũng rất trân trọng với tình bạn của Trịnh Công Sơn. “Khi Trịnh Công Sơn còn sống, anh Tùng trân quý anh Sơn và gắn bó với nhóm nhạc Những người bạn. Sau khi ra Hà Nội sống, anh Tùng thi thoảng vẫn vào Nam thăm anh Sơn. Những năm đó, anh Sơn cũng thường tổ chức sinh nhật ngoài Hà Nội. Hai người là bạn tâm giao, thường xuyên trao đổi nên ít nhiều ca từ có nét tương đồng. Mỗi từ, mỗi câu trong ca khúc cất lên đều chứa đựng nhiều tính triết lý sâu sắc về cuộc đời. Ví dụ cách đặt tên ca khúc như “Lối cũ ta về”, “Giọt sương trên mí mắt”, “Hoa cúc vàng”...”, NSND Trần Bình nói.

“Có phụ nữ hâm mộ cuồng nhiệt Thanh Tùng...”

Khi được gặng hỏi về sự đào hoa của vị nhạc sĩ, NSND Trần Bình chỉ cười: “Ngày đó anh Thanh Tùng cao lớn, đẹp trai, có tài lại đi du học về nên trở thành điểm ngắm của các cô gái Hà Nội là điều dễ hiểu. Vợ anh Tùng cũng là giai nhân Hà Thành, xinh đẹp, có tài kinh doanh và yêu thương chồng vô điều kiện”.

Hình ảnh người vợ quá cố của nhạc sĩ Thanh Tùng trên sân khấu

Sau khi người bạn đời nằm xuống, nhiều người phụ nữ đến với Thanh Tùng nhưng vị nhạc sĩ cũng tránh, không có tình cảm sâu nặng với ai. “Người phong độ, tài năng như anh Tùng thì không thiếu người ngưỡng mộ. Có những người phụ nữ hâm mộ cuồng nhiệt đến nơi biểu diễn kéo tay, xin chữ ký, xin chụp ảnh cùng... nhưng anh cũng chỉ vui vui đáp từ thôi”, Trần Bình nói.

“Vị thuyền trưởng” của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tự nhận mình và Thanh Tùng là những người đàn ông thuộc trường phái “rước đèn”- “nghĩa là có tiếng mà không có miếng”.

Theo ông, người nghệ sĩ chỉ rong chơi đây đó, tếu táo làm vui mà thôi. Dù nhiều bóng hồng bủa vây nhưng vị nhạc sĩ vẫn dành cho người vợ sự chung tình đáng trân trọng. Đó cũng là cảm hứng để Thanh Tùng viết lên những ca từ đầy xúc động: “Đêm qua tôi nằm mơ, tôi mơ thấy em về, khi anh tuổi đôi mươi, em mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đoá cúc vàng, em tặng mùa thu sang, mùa thu bỗng hóa thiên đường…”- “Hoa cúc vàng”.

NSND Trần Bình chia sẻ thêm, người ta cứ đồn đoán về những bóng hồng trong cuộc đời Thanh Tùng nhưng thực tế “26 năm vị nhạc sĩ vẫn một mình”!./.