SƯT Thanh Ngoan sinh ra ở quê lúa Thái Bình, có 35 năm hát Chèo và được công chúng yêu mến với các vai đào lệch sắc sảo. Giờ đây, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Dáng nhanh nhẹn và nụ cười lanh lảnh, chị đang nỗ lực để làm tốt vai trò của một người quản lý.

PV:Theo chị, khó khăn của nữ giám đốc một đơn vị nghệ thuật truyền thống là gì?

NSƯT Thanh Ngoan: Mình cũng như mọi người khác, phân công nhiệm vụ thì gánh vác nam cũng như nữ. Tất nhiên phụ nữ thì vất vả hơn, nhưng mỗi giới tính lại có một cái lợi thế.

Cái khó của chúng tôi là kinh phí của Nhà nước thì có hạn, trong kinh tế thị trường nghệ thuật truyền thống không được quan tâm nhiều, khán giả thưa thớt. Để có khán giả đến rạp, nuôi sống được mình thì điều đó cũng còn là mong ước của chúng tôi.

PV:Để nhà hát có thể đỏ đèn vào các tối và kéo khán giả đến với nghệ thuật chèo, thì chúng ta đã có những nỗ lực như thế nào?

NSƯT Thanh Ngoan: Nhà hát đã cho tập lại những gì là vốn cổ của các cụ. Từ Tết đến bây giờ thì chúng tôi đã trau chuốt lại 5 chương trình để diễn ở sân khấu nhỏ mà chúng tôi đặt tên là "Chiếu chèo truyền thống" tại rạp Kim Mã. Một bên là sân khấu lớn thì chúng tôi đang ôn lại những kịch mục của Nhà hát và vẫn duy trì hàng tháng để biểu diễn bán vé cho khán giả.

Trong đó gồm 4 loại hình: Một là vở chèo truyền thống, hai là vở về đề tài hiện đại, 3 là vở về đề tài dân gian. Và 4 là chương trình tạp kỹ tổng hợp, mang tính chất hài kịch. Từ Tết đến giờ chúng tôi tổ chức những show lớn như vậy. Người xem thích và hẹn chúng tôi lần sau quay lại. Nhưng quả thực để duy trì thường xuyên thì vẫn là mong ước của chúng tôi.

img_0019.jpg
NSƯT Thanh Ngoan - Giám đóc Nhà hát Chèo Việt Nam  (ảnh: Mai Hồng)

PV:Chúng ta đang dần tạo dựng điểm hẹn về nghệ thuật chèo cho công chúng. Vậy nhà hát có hướng tới trở thành điểm hẹn về nghệ thuật chèo cho du khách quốc tế hay không?

NSƯT Thanh Ngoan:Cái đó là mục tiêu của nhà hát. 5 chương trình nói trên đang giới thiệu cho người Việt và cả người nước ngoài. Bên cạnh đó chúng tôi đang dàn dựng và trau chuốt thêm 2 đến 3 chương trình về sân khấu Chèo để giới thiệu cho khách nước ngoài.

Đến với nghệ thuật sân khấu thì chèo là đại diện cho VN mình. Bên cạnh đó, chúng tôi có hát ca trù, hát xẩm, chầu văn. Chính vì thế, chúng tôi đang dày công luyện tập cho thế hệ nghệ sĩ trẻ và các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp để tiếp tục gánh vác công việc này.

Lúc nào, chúng tôi cũng nói với các nghệ sĩ rằng nếu như chất lượng nghệ thuật không tốt thì chính chúng ta đã làm mất nghề của chúng ta. Và nghệ thuật truyền thống không phải ngày một ngày hai, không phải tập ngày hôm nay đến đỉnh điểm ngày mai chúng ta nghỉ, mà phải duy trì thường xuyên.

PV:Nghệ thuật Chèo có thuận lợi là thân thiết với người dân, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Vậy cần làm cách nào để khơi dậy niềm yêu thích từ công chúng, thưa chị?

NSƯT Thanh Ngoan: Tôi thì tôi nghĩ nhắc đến nghệ thuật Chèo người VN đại đa số không ai không ai biết, nhưng với thế hệ trẻ thì chúng ta phải tuyên truyền, đưa văn hóa truyền thống thấm sâu từ khi các bạn là học sinh. Đó là việc nuôi khán giả. Nếu Chèo chỉ dành cho thế hệ cũ thì chúng ta mất bản sắc lúc nào không biết. Việc này không chỉ đặt lên vai tôi, mà của nhiều bộ, ngành.

PV:Nhìn chị có thể thấy hình ảnh tảo tần của người nghệ sĩ thời nay. Không chỉ làm tốt trọng trách ở nhà hát, mà còn tham gia bảo tồn nhiều nghệ thuật cổ truyền. Chắc hẳn ở chị không chỉ là niềm đam mê mà là trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình?

NSƯT Thanh Ngoan: Trước tiên ta phải nói đến sự đam mê. Và tôi thường nói đùa với mọi người là tôi được tổ đãi. Tổ có đãi thì 13 tuổi tôi mới biết hát Chèo. Nhưng sau đó thì tôi được gặp gỡ nhiều nghệ nhân, tôi được sống trong không khí nghệ thuật về Xẩm, về Chầu văn, về Ca trù.

Tôi được học và thấm dần, xuất phát từ niềm đam mê. 34 năm rồi, hàng ngày niềm đam mê ấy luôn ở trong tâm khảm của tôi, nó thấm vào tôi lúc nào không biết và tôi không nói là trách nhiệm. Trách nhiệm là tự mình, nhưng nhìn lại thấy rằng tâm huyết, đam mê của mình và vốn cổ giữ được của mình cũng giúp cho thế hệ sau và cũng là một trong những ngọn cờ để gìn giữ cái đó.

NSƯT Thanh Ngoan biểu diễn trên sân khấu (ảnh: Mai Hồng)

PV:Nhưng ngọn lửa là tự mình nuôi dưỡng?

NSƯT Thanh Ngoan: Tất nhiên kinh nghiệm mình nhìn thế hệ đi trước. Tôi học Xẩm cụ Đỗ Tùng, bà Hà Thị Cầu, tôi không hát giống ai, nhưng tôi phải biết các lòng bản. Tôi học Ca Trù từ cụ Đinh Khắc Ban từ năm 1985, chúng tôi học từ bài ca đàn, ca phách cho đến bài hát. Chầu Văn thì tôi đi vào các chiếu học.

PV:Thưa chị, khi truyền đạt niềm đam mê cũng như kiến thức cho thế hệ trẻ thì chị còn điều gì trăn trở?

NSƯT Thanh Ngoan: Trăn trở chỉ có mỗi một điều là các em chưa hiểu được nghệ thuật truyền thống. Chưa hiểu thì chưa đam mê. Khi hiểu, khi thích nó rồi thì mới đam mê. Có em đam mê thì lại không có năng khiếu. Cái nghề này nó lại tệ ở chỗ đó. Được tổ đãi và có năng khiếu, kết hợp với nhau thì mới thành công.

Việc tìm kiếm những người có năng khiếu và đam mê là rất khó khăn. Do đó, thế hệ những nghệ nhân và người truyền lửa thật sự đang vơi đi. Đó là điều mà tôi cũng e ngại.

PV:Làm công việc nghệ thuật thì hầu như tối chị ít khi có mặt ở nhà. Vậy việc chị cân đối giữa gia đình và nghề nghiệp như thế nào?

NSƯT Thanh Ngoan:Gia đình đã quen với việc một người nghệ sĩ như tôi thường xuyên đi từ mấy chục năm nay. Tôi có một con trai năm nay 20 tuổi, học đại học năm thứ hai, quen với điều đó và quen với tính tự lập.

Tôi vắng mặt ở nhà là thường xuyên. Mọi người cũng biết rằng giữa công việc ở cơ quan và công việc gia đình, thì tôi còn ở cơ quan nhiều hơn ở gia đình. Mọi người cũng đã quen và bằng lòng với điều đó. Chỉ cần những lúc tôi về gia đình thì tôi là một người mẹ, một người vợ. Gia đình không đòi hỏi tôi phải thế này, thế khác. Tôi luôn luôn giữ bên mình tình yêu với gia đình.

PV:Mong muốn lớn nhất hiện nay của chị là gì?

NSƯT Thanh Ngoan: Mong muốn lớn nhất của tôi là còn sức, còn đam mê thì tôi muốn thổi lửa đam mê đó xuống cho nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật chèo nói riêng. Cũng mong sự hỗ trợ của Nhà nước, của Bộ VHTTDL và Cục NTBD tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở, kể cả mức lương bổng cho các nghệ sĩ để họ yên tâm làm nghề. Có như thế người ta mới có thể có thời gian để dành cho nghề nhiều hơn và cũng có như thế thì bản sắc của VN và nghệ thuật truyền thống mới gìn giữ được.

PV:Cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan./.