Nhạc sĩ Phó Đức Phương, một trong “bộ tứ Hà Nội” (gồm Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương) đã tạo nên dấu ấn trong nền ca nhạc Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trên chặng đường sáng tác của ông, đã có những bước ngoặt lớn…

Bỏ đại học là chuyện “tày trời”

PV: Bước ngoặt đầu tiên của nhạc sĩ liệu có phải là việc ông quyết định bỏ dở năm thứ 3 trường Đại học Sư phạm để theo đuổi con đường âm nhạc?

NS Phó Đức Phương: Đúng vậy. Khi đang học ĐHSP khoa Toán - Lý năm thứ 3, tôi nộp đơn xin nghỉ học để đi lao động với lý do hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện, phải nghỉ để kiếm sống. Nhưng thực sự lúc ấy tôi đã nghĩ, mình cần phải đi đường vòng để đến với con đường âm nhạc - đó là mục đích, là niềm ước mơ và là sứ mệnh của cuộc đời tôi.

ns%20pdp.jpg
Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Thời đó, một sinh viên bỏ trường đại học này sang trường đại học khác là một chuyện “tày trời”. Trong khi lúc bấy giờ, khao khát được đi theo con đường âm nhạc của tôi ngày càng dữ dội, tôi thấy rằng cuộc đời mình không thể làm gì khác ngoài trở thành nhạc sĩ.

Sau một năm rưỡi lao động, tôi đã thi lại vào Nhạc viện và theo đuổi con đường âm nhạc của mình. Nếu ngồi nghĩ lại chặng đường mấy chục năm của cuộc đời mình, thì có lẽ quyết định đầu tiên - quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường âm nhạc chính là bước ngoặt quan trọng  nhất, để có được một Phó Đức Phương - nhạc sĩ như ngày hôm nay.

PV: Và bước ngoặt thứ 2 của ông?

NS Phó Đức Phương: Bước ngoặt thứ hai, mà đến giờ nhiều người vẫn chưa chia sẻ được, kể cả gia đình, bạn bè thân thiết, những người hiểu nhau nhất: tại sao khi tôi đang là một nhạc sĩ viết “bội thu” như vậy lại dừng sáng tác, và kiên quyết đi theo con đường bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Đây là một quyết định vừa khó khăn vừa khó hiểu - tự bản thân tôi cũng cảm thấy khó hiểu (cười), nhưng lúc ấy tôi đầy tự giác và hăm hở. Cứ như một sự sai khiến của định mệnh vậy. Lúc ấy, đâu có cơ quan nào phân công tôi phải làm đâu. Tôi đã làm công việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc được 11 năm và cho đến giờ, tôi cảm thấy rằng đấy là một sự định đoạt đương nhiên mà mình không phải suy nghĩ, đắn đo quá nhiều.

Còn trong lĩnh vực sáng tác, có lúc tôi viết ca khúc, có lúc tôi chuyển hẳn sang làm sân khấu. Một giai đoạn dài tôi không làm nhạc có lời mà chỉ hoàn toàn làm nhạc không lời: nhạc điện ảnh, nhạc múa… Đến lúc trở lại với ca khúc - chùm ca khúc ghi dấu ấn năm 1997 với những “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”, “Về quê”… Đấy cũng là một bước ngoặt trong âm nhạc của tôi.

Tôi cũng hy vọng, khi vấn đề quyền tác giả bắt đầu đi vào đường ray, có nền móng vững vàng, và có một thế hệ trẻ để kế tục, gánh vác sự nghiệp này, tôi sẽ lại có một bước ngoặt nữa trong cuộc đời mình, đó là trở lại với âm nhạc.

Sẽ là một nhạc sĩ Phó Đức Phương khác

PV:Trở lại với âm nhạc sau thời gian dài ngừng sáng tác, có nhiều khó khăn không, thưa nhạc sĩ?

NS Phó Đức Phương: Sau 10 năm tôi không viết nhạc, ngôn ngữ âm nhạc hiện nay đã có một sự chuyển đoạn: lớp trẻ bây giờ, cả người viết lẫn người nghe đã có sự đổi khác; muốn trở lại để song hành với công chúng, đáp ứng trách nhiệm của một nhạc sĩ của ngày hôm nay không hề đơn giản. Đó vẫn là Phó Đức Phương, nhưng sẽ không phải là Phó Đức Phương của mười mấy năm trước nữa.

PV:
Nổi bật trong các sáng tác của nhạc sĩ là hơi thở dân ca đồng bằng Bắc bộ, phải chăng đây là hướng đi mà nhạc sĩ đã xác định cho mình ngay từ khi ca khúc đầu tiên của ông gây được tiếng vang - "Những cô gái Quan họ”?

NS Phó Đức Phương: Tôi là một người con sinh ra ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, lại có tâm hồn nặng tình với xứ sở. Những giai điệu truyền thống của đồng bằng Bắc bộ mang lại cho tôi những rung động sâu xa, vì vậy đó cũng là chuyện bình thường. Thực ra, tôi cũng sáng tác rất nhiều bài hát sử dụng chất liệu dân ca miền Trung, hay của vùng Tây Bắc… đấy chứ. Dù với chất liệu nào thì trước hết điểm xuất phát vẫn phải là sự rung động thật sự từ bên trong, chứ không phải do lý trí sắp đặt được.

PV:Có lẽ bởi vậy mà nhiều người đã mệnh danh nhạc sĩ Phó Đức Phương là “phù thủy của những làn điệu dân ca”. Những chất liệu âm nhạc dân gian luôn được nhạc sĩ chuyển hóa một cách tài tình và tinh tế trong mỗi tác phẩm. Vậy theo nhạc sĩ, đâu là yếu tố tạo nên thành công cho những ca khúc mang âm hưởng dân ca?

NS Phó Đức Phương: Các nhạc sĩ của một giai đoạn - như lứa chúng tôi ở giai đoạn chống Mỹ - đều có ý thức khai thác chất liệu dân gian để đưa vào tác phẩm của mình, nhưng vấn đề là khai thác và sử dụng như thế nào. Nếu như chỉ dựa vào 1 làn điệu với ý thức rằng phải sử dụng làn điệu ấy, dựa vào đó để biến báo đi, phát triển và cải biên thì chỉ là mức độ thấp. Theo tôi, không chỉ dựa vào chất liệu dân gian để dùng kỹ thuật cải tiến nữa, mà hãy để chất liệu dân gian ngấm vào con người mình. Để nó trở thành máu thịt của mình thì khi viết ra sẽ không còn là làn điệu của vùng nào nữa mà đã trở thành của mình rồi.

PV:Cảm hứng xuyên suốt các sáng tác của nhạc sĩ là tình yêu quê hương đất nước với những nỗi nhớ da diết, day dứt; nhưng được biết hầu như các tác phẩm của ông được hình thành từ... đơn đặt hàng?

NS Phó Đức Phương: Trong tất cả các nhạc phẩm của tôi, chỉ duy nhất có bài “Khúc hát phiêu li”, nói về chuyện tình của Trương Chi - Mị Nương là ca khúc duy nhất tự tôi viết mà không phải do đặt hàng. Còn ngoài ra, kể cả những ca khúc mà khán giả cảm thấy nó là “gan ruột” như “Về quê”, “Chảy đi sông ơi”, “Hồ trên núi”… - những ca khúc nặng trĩu tâm trạng chủ thể như vậy đều được tôi viết cho những chương trình đã định sẵn. Thế nhưng, việc đặt hàng chỉ là cái cớ, là một dịp để tôi được tung hoành, có dịp để tôi - có thể gọi là “bị” hoặc “được” - trói buộc vào một thời điểm cụ thể để hoàn thành tác phẩm.

PV:Nhạc sĩ có dự tính thực hiện một liveshow âm nhạc Phó Đức Phương vào sang năm, khi nhạc sĩ tròn 70 tuổi?

NS Phó Đức Phương: Chắc chắn rồi. Thực ra bản thân tôi chưa nghĩ đến chuyện đó đâu, nhưng các anh em ngay trong trung tâm, rồi thì bạn bè của tôi trong giới âm nhạc đã đặt vấn đề này. Có lẽ sang năm sẽ là 1 liveshow Phó Đức Phương để đáp ứng sự chờ đợi của công chúng và người yêu nhạc, đồng thời cũng để bản thân tôi làm tròn trách nhiệm, và bày tỏ nhiệt tâm của mình với âm nhạc suốt mấy chục năm qua.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ./.