Hôm nay, chúng ta sẽ nói lời tiễn biệt với nhạc sĩ An Thuyên khi đưa ông về nơi an nghỉ. Sự ra đi đột ngột của ông vào chiều 3/7 đã để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và công chúng yêu mến ông. Với nền nhạc Việt, ông để lại một “khoảng trống” khó bù đắp. Và với riêng mình, vị nhạc sĩ tài hoa vẫn còn nhiều “dang dở”.
Có lẽ giống như nhiều nghệ sĩ cùng thời, những người như nhạc sĩ An Thuyên không có khái niệm “về hưu”. Vì thế, ở tuổi ngoài 60, ông còn rất nhiều điều muốn cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam.
Chơi “trận này”, sẵn sàng bán cả nhà
Nếu trong những năm làm hiệu trưởng tại trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (1993 – 2009), ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyển chọn được nhiều học trò giỏi để đào tạo ra những nghệ sĩ tương lai vừa có tài vừa có tâm với nghề thì những năm gần đây, có hai việc mà nhạc sĩ An Thuyên dày công dành nhiều tâm huyết là dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi và việc mở Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam.
Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: FBNV |
Sau 5 năm với nhiều công sức thực hiện cùng các đồng nghiệp ở Hội âm nhạc Hà Nội, tập đầu tiên của bộ Tổng tập bài hát thiếu nhi Việt NamGiai điệu tuổi thần tiên do nhạc sĩ An Thuyên làm chủ biên đã chính thức ra mắt năm 2014. Cũng trong năm 2014, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam ra đời, nhạc sĩ An Thuyên được bầu làm Chủ tịch.
Với hai sự kiện này, ít ai biết nhạc sĩ đã phải “đấu tranh” trên nhiều mặt trận nhưng đầu tiên, đó chính là mặt trận trong tư tưởng của chính mình. “Tại sao mình vốn “thuần chất” là người làm nghệ thuật mà lại phải nghĩ đến phát triển văn hóa doanh nghiệp?
Vì kinh tế có mạnh thì văn hóa mới phát triển. Phát triển văn hóa doanh nghiệp, cũng sẽ mở ra cơ hội phát triển văn hóa nghệ thuật. Chú đã nghĩ nhiều về dự án này và đã xác định, chơi “trận này”, sẵn sàng bán cả nhà đi đấy” – ông đã từng chia sẻ với tôi về dự án xây dựng Hiệp hội từ khi còn trong “trứng nước”.
Lo vì lớp trẻ hát nhạc ngoại
Trong khi đó, Giai điệu tuổi thần tiên - bộ sách “đồ sộ” đầu tiên từ trước đến nay tập hợp đầy đủ nhất những ca khúc thiếu nhi của tất cả các nhạc sĩ từ khắp mọi miền đất nước trong 100 năm qua lại như một “góc riêng” trong tâm hồn của ông dành cho thiếu nhi.
Ông nói vui là mình đã chán làm việc với người lớn, bây giờ, làm việc với thiếu nhi thấy vui hơn, hấp dẫn hơn nhưng thực sự, nghe ông chia sẻ ý tưởng thực hiện một cuốn “từ điển ca khúc thiếu nhi”, mới thấy nhạc sĩ rất nặng lòng và lo lắng cho đời sống văn hóa của thế hệ tương lai.
“Cứ hàng ngày thấy các em phần lớn chỉ biết hát nhạc nước ngoài mà tôi lo lắng khôn tả. Tôi tự hỏi, bài hát thiếu nhi đâu rồi? Tôi biết nhiều người không viết vì ít tiền và cũng có người viết đấy nhưng không công bố được đành phải để…ngăn kéo. Chính vì vậy, tổng tập bài hát thiếu nhi ra đời là mong muốn “Hãy cùng chung tay để trẻ em Việt Nam được hát bài hát Việt Nam” - nhạc sĩ An Thuyên trăn trở.
Video: Những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ An Thuyên
Không chỉ viết và để những tác phẩm của mình chỉ nằm trên giấy, nhạc sĩ An Thuyên đã thu âm những ca khúc viết cho thiếu nhi thành CD như món quà tinh thần dành cho thế hệ tương lai. Điều đặc biệt là có nghe những ca khúc của tuổi mầm non, mẫu giáo với những chủ đề vô cùng giản dị như Na, Mít, Khế, Thị, Củ cà rốt nhưng lại được viết bằng phong cách của âm nhạc thời hiện đại như pop, rock, R&B mới thấy nhạc sĩ An Thuyên yêu trẻ thơ như thế nào, hiểu về đời sống tinh thần hiện nay của các cháu ra sao. Sáng tác nhạc cho thiếu nhi, nhạc sĩ An Thuyên vừa là một người ông tâm lý, vừa là một nhạc sĩ “trẻ mãi không già”. Cũng chính vì vậy, mà ở lứa tuổi trưởng thành hơn - các học sinh, sinh viên đã từng theo học ông hay được tiếp xúc với nhạc sĩ An Thuyên, luôn cảm thấy tự hào khi có một người thầy luôn dành sự quan tâm cho lớp trẻ ngày nay.
Cũng sau tổng tập bài hát thiếu nhi Việt Nam (Bộ sách gồm 6 tập, dự kiến sẽ ra mắt đầy đủ trong năm 2015), nhạc sĩ An Thuyên còn mong muốn tiếp tục trở lại với dự án đang bị “đóng băng” Cánh én tuổi thơ - một chương trình quy tụ những sáng tác mới về thiếu nhi, phát sóng trên VTV. Ông chia sẻ mong muốn: khi Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đi vào hoạt động và lớn mạnh, cũng sẽ hỗ trợ được những khó khăn cho các dự án như vậy. Và đó mới là kết quả ý nghĩa khi ông quyết tâm xây dựng Hiệp hội.
Nhưng giờ đây, đúng như nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ, Hiệp hội đang như “rắn mất đầu”, đang thiếu đi người dẫn đường đầy tâm huyết và sáng tạo như nhạc sĩ An Thuyên. Và có lẽ, còn nhiều dự định âm nhạc mà nhạc sĩ An Thuyên chưa công bố đang dang dở trước sự ra đi đột ngột của ông./.
Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên
Với chủ đề Nốt nhạc cho đời, đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên do các sinh viên, giảng viên thanh nhạc như Lê Anh Dũng, Ngọc Ký, Thu Hà, Minh Chuyên... tổ chức sẽ diễn ra lúc 20h ngày 10/7 tại phòng trà Muzik Park, 57 Hào Nam.
Ca dao em và tôi đứng thứ 2 tại liveshow Bài hát yêu thích tháng 7
Với 10,16% kết quả tổng hợp từ lượt nghe trên website và bình chọn của hội đồng tuyển chọn, ca khúc được nhiều người yêu mến của nhạc sĩ An Thuyên Ca dao em và tôi đang đứng thứ 2 trong chín ca khúc sẽ trình diễn tại Bài hát yêu thích tháng 7, diễn ra vào 20h ngày 17/7 tại Hà Nội. Tại đêm nhạc này, ca khúc sẽ do ca sĩ Huyền Trang thể hiện.
Sao Mai Phương Thảo sáng tác ca khúc nhớ thầy An Thuyên
Sáng 8/7, Sao Mai Phạm Phương Thảo chính thức ra mắt ra ca khúc Trăng sáng một mình do cô sáng tác tiễn biệt nhạc sĩ An Thuyên, người thầy mà cô vô cùng yêu quý.