Những ngày này, ở xã vùng cao Co Mạ, Thuận Châu, trong các bản làng của đồng bào Mông, các chàng trai cô gái khoác trên mình những bộ áo váy dân tộc sặc sỡ sắc màu cùng nhau đi vui xuân. Những quả pao được các cô gái, các chàng trai Mông trao đi trao lại, những điệu múa khèn, tiếng sáo dìu dặt, những lời hát giao duyên đã tạo nên một không khi vui tươi, ấm cúng của ngày tết trên rẻo cao.

vov_chi_em_vui_don_xuan_izwu.jpeg
 

Anh Và Giống Nhìa, ở bản Co Mạ phấn khởi chia sẻ về kết quả lao động sản xuất của gia đình. Sau ba năm trồng và chăm sóc, đến năm nay 3 ha cây sơn tra của gia đình anh đã bắt đầu cho quả bói đầu tiên thu về được hơn 15 triệu đồng. Cùng với đó, đàn bò của gia đình nuôi hơn 10 con cũng vừa đến lứa xuất chuồng nên năm nay gia đình cũng bán hai con thu về gần 60 triệu đồng. Cùng với các nguồn thu khác từ sắn, ngô, lúa và chăn nuôi gia cầm cũng đã giúp gia đình có tổng nguồn thu trên 100 triệu đồng. Nên năm nay gia đình sẽ ăn tết to hơn mọi năm:

"Năm nay gia đình tôi phấn khởi lắm, tôi cũng đã chuẩn bị được lợn, gà để mổ ăn Tết và mời anh em, bạn bè gần xa đến chung vui cùng với gia đình mình rồi”, anh Nhìa chia sẻ.

Cũng như anh Vàng Giống Nhìa, gia đình chị Giàng Thị Mai, bản Pha Khoang, xã Co Mạ cũng rất phấn khởi vì năm nay gia đình chị có thêm khoản thu hơn 20 triệu đồng từ mô hình trồng chanh leo. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng thêm ngô lai khoảng hơn 20 cân giống, cho thu về hơn 10 tấn ngô và thu về gần 40 triệu đồng. Cộng thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm, năm nay, tổng nguồn thu của gia đình chị đạt gần 100 triệu đồng. Vui hơn nữa là chị được đại diện cho phụ nữ phát triển kinh tế giỏi của xã đi dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số của huyện và tỉnh. Chị Giàng Thị Mai chia sẻ: “Năm nay phấn khởi lắm vì gia đình mình cũng có nhiều cái mới. Kinh tế gia đình khấm khá hơn mọi năm nên gia đình tổ chức Tết đầm ấm hơn cho các con cháu trong nhà để cầu mong mọi người luôn mạnh khỏe trong năm mới”.

 

Xã Co Mạ cách trung tâm huyện Thuận Châu 43 km. Xã có 20 bản với trên 1.300 hộ, trên 7.000  nhân khẩu thuộc 03 dân tộc anh em cùng sinh sống là Mông, Thái, Khơ Mú, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 81% dân số. Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cùng quyết tâm vươn lên của bà con, các hộ gia đình ở đây đã chủ động đưa những cây con giống mới vào sản xuất như: Đào, Mận tam hoa, Sơn tra, chăn nuôi bò…. Nhờ đó cuộc sống của bà con ngày càng nâng lên, hộ nghèo và cận nghèo giảm nhiều so với trước.

Trước thềm xuân mới này, với phương châm không để người dân nào không có tết, chính quyền địa phương đã thành lập các đoàn đi thăm hỏi, động viên, trao quà tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn. Đồng thời, xã đã có kế hoạch tổ chức hội xuân cho bà con với nhiều chương trình, trò chơi như: Văn hóa văn nghệ, đánh tu lu, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đánh bóng chuyền, ném pao, thi giã bánh dày... Không chỉ có bà con ở các bản trong xã, mà còn có rất nhiều bà con dân tộc Mông ở các xã lân cận ở tỉnh và tỉnh bạn như Điện Biên; Yên Bái, Lào Cai cũng sẽ về vui xuân với bà con nơi đây. Ông Vì A Sềnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Năm nay Đảng ủy, Ủy ban cũng đã thống nhất sẽ tổ chức văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân chào mừng tết dân tộc cho bà con trên địa bàn xã Co Mạ. Đây cũng là dịp để bà con tất cả các xã trên địa bàn huyện mang những văn hóa văn nghệ đến đây giao lưu, phục vụ bà con và cũng là dịp để giữu gìn bane sắc văn hóa dân tộc”.

Một mùa xuân mới đã về nơi vùng cao Co Mạ. Ở nơi này, bà con đang cùng nhau đoàn kết xây dựng bản làng ngày một no ấm hơn./.