Lễ tang của nhạc sĩ Thanh Tùng – tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như “Hoa cúc vàng”, “Giọt nắng bên thềm”, “Hoa tím ngoài sân”… đã diễn ra một cách bình dị vào sáng ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Trong tiết trời mưa và se lạnh nhưng cũng đã có nhiều nghệ sĩ đến tiễn đưa nhạc sĩ Thanh Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng như ca sĩ Thanh Hoa, Thanh Lam, Tùng Dương, Lê Hiếu, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Quốc Trung, Đỗ Hồng Quân… Do điều kiện không đến được, một số nghệ sĩ như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Bằng Kiều, Thu Minh… đã gửi vòng hoa đến viếng.
Trong nhà tang lễ, những ngọn nến, những bức ảnh lúc sinh thời của nhạc sĩ Thanh Tùng được bày biện ở khu vực ghi sổ tang như gợi nhớ cho công chúng về chặng đường mà ông đã đi qua, về con người và những sáng tác nổi tiếng của ông.
Những bức ảnh nhạc sĩ Thanh Tùng đặt trên bàn ghi sổ tang |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói: “Nhạc sĩ Thanh Tùng là người nhạc sĩ tài năng. Ngay từ khi còn trẻ, anh Thanh Tùng đã chứng tỏ mình là người rất nhạy cảm với đời sống âm nhạc, các sáng tác của anh như Hoa tím ngoài sân, Phố biển… được đánh giá rất cao. Anh như là người tiên phong trong việc đưa nhạc nhẹ đến gần hơn với công chúng. Anh đã có những đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam những năm 80-90 của thế kỷ trước.
Anh cũng là đồng nghiệp đáng kính trọng, có mối quan hệ rộng và luôn với tư cách là người anh, quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Gần cuối đời bị bệnh nặng nhưng anh vẫn quan tâm thăm hỏi mọi người”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân |
Với nhiều người – trong đó có MC Thảo Vân, những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng gắn liền với ký ức về tuổi trẻ: “Tôi yêu những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng từ những năm 80. Ông có những ca khúc buồn, vàcó những ca khúc rất đáng yêu. Tôi nghĩ rằng, nhạc sĩ Thanh Tùng là một nhạc sĩ hiếm hoi của nhạc Việt có phong cách rất đa dạng. Tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi như tiễn biệt tuổi trẻ của mình, tiễn biệt những năm tháng sống với ca khúc của ông”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: "Công chúng yêu nhạc VN đều rất nhớ những năm thập niên 80, có sự xuất hiện của dòng nhạc trữ tình, gần gũi, giản dị và đẹp của nhạc sĩ Thanh Tùng. Mở đầu bằng sự đóng góp của nhạc sĩ, bằng cách phối khí rất mới lại, như bài Con kênh xanh xanh, đã làm mới nền âm nhạc của VN trong thời kỳ đó. Điều đó tạo điều kiện cần thiết cho vẻ đẹp của những ca sĩ như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh…".
Nhạc sĩ Đức Trịnh, trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội, ghi trong sổ tang: "Vĩnh biệt anh, nhạc sĩ tài hoa. Em nhạc sĩ Đức Trịnh đã học hỏi ở anh bao điều, sẽ nhớ mãi lần cuối anh em mình ngồi quán Bình Nhưỡng, em đã nhìn thấy anh rất vui. Mãi mãi nhớ anh”.
Ca sĩ Thanh Lam viết sổ tang |
Ca sĩ Tùng Dương ghi trong sổ tang: "Tiếc thương nhạc sĩ Thanh Tùng. Nỗi cô đơn trong lành. Những tác phẩm không bao giờ cũ. Ông đã thắp lên ngọn lửa nghệ thuật rực cháy của mọi thế hệ".
NSND Trần Bình, giám đốc nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, ghi: “Thế là anh đi thật rồi. Còn đâu những ngày gặp gỡ, vui cười bên ly rượu, cùng những dự định về sang tác và lưu diễn… Anh Tùng ơi! Mong anh được thanh thản nơi chân trời mới… Mọi người nhớ anh lắm".
Với người thân, sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng để lại nỗi buồn không thể nào nguôi. Bà Phạm Thị Quý, em vợ nhạc sĩ Thanh Tùng tâm sự trong dòng nước mắt: "Tôi rất nhớ anh Thanh Tùng, là một người anh rể rất vui tính, yêu thương mọi người. Chúng tôi vẫn biết có ngày anh ra đi, nhưng chúng tôi vẫn rất nhớ và lưu luyến anh. Mặc dù chị gái tôi đã ra đi từ năm 1990, nhưng anh vừa làm bố, vừa làm vợ để chăm các con khôn lớn. Anh Tùng từng nói rằng, chị tôi ra đi để lại tài sản, còn nếu anh ra đi thì sẽ để lại kho tàng sáng tác âm nhạc cho mọi người".
Con trai nhạc sĩ Thanh Tùng, ông Nguyễn Thanh Bách nói lời tiễn biệt cuối cùng với người cha: “Bố ơi, chúng con rất hạnh phúc vì có một người cha hết lòng thương yêu chúng con, đã không nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình mà nuôi dạy chúng con nên người cho đến ngày hôm nay. Chúng con luôn tự hào vì có một người cha không chỉ tài năng mà còn được rất nhiều bạn bè yêu mến, nhiều người nể trọng, nhiều người hâm mộ và có nhiều cống hiến cho xã hội. Các cháu của ông sẽ luôn luôn tự hào về ông. Bố hãy yên lòng về với mẹ. Con xin thay mặt toàn thể gia đình chào bố!”.
Đúng 10h30 lễ di quan nhạc sĩ Thanh Tùng bắt đầu. Những lời ca trong trẻo của ca khúc Hoa cúc vàng lại được cất lên tiễn đưa ông. Nhạc sĩ Thanh Tùng sẽ được an táng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Phú Thọ./.
Nhạc sĩ Thanh Tùng tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1948, tại Nha Trang, Khánh Hoà. Ông là tác giả nhiều ca khúc được hâm mộ như “Lối cũ ta về”, “Ngôi sao cô đơn”, “Chuyện tình của biển”, “Một mình”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Hát với chú ve con”...
Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng học và tốt nghiệp tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên năm 23 tuổi. Từ năm 1971 đến 1975, Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng sống tại TP.HCM, góp phần xây dựng dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP.HCM lúc bấy giờ.
Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen.
Nhạc sĩ có thời gian dài sinh hoạt tại Hội Âm nhạc TP.HCM. Từ năm 1978, Thanh Tùng tham gia nhóm nhạc sĩ "Những người bạn" gồm 7 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên và Nguyễn Ngọc Thiện.
Năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, nhạc sĩ không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai. Bệnh tật đầy mình nhưng tinh thần nhạc sĩ rất tốt. Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình 2008.
Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời ngày 15/3 tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hưởng thọ 69 tuổi.