Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống được đông đảo người dân Nam bộ yêu thích và là hoạt động chính trong lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer. Trong hai ngày các đội ghe ngo thi đấu, hàng chục ngàn khán giả trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng tập trung dọc hai bên trường đua sông Maspero, thành phố Sóc Trăng để hò reo, cổ vũ cho các đội ghe tranh tài, tạo nên không khí náo nhiệt và tinh thần thể thao đoàn kết đầy ấn tượng.

Giải đua lần này có 54 đội ghe ngo (9 đội nữ và 45 đội nam) đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, với hơn 6.000 vận động viên. Các đội ghe ngo nam tranh tài ở cự ly 1.200 mét và ghe nữ 1.000 mét. Kết quả, chức vô địch ghe ngo nữ thuộc về chùa Ô Chum (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng); chức vô địch ghe ngo nam thuộc về đội ghe Ngo chùa Wath Pich (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). 

Sau 7 ngày diễn ra các hoạt động, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần V - năm 2022 đã thu hút gần 1 triệu lượt khách tham quan.

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ngày hội và Lễ hội lần này là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới du khách trong nước và quốc tế.

Ban Tổ chức đã xét chọn các giải thưởng về hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Cụ thể, đối với hoạt động trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, gồm 4 giải A thuộc về các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh.

Về liên hoan văn nghệ quần chúng gồm 12 giải A thuộc về các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ và TP.HCM. Về trình diễn trang phục truyền thống gồm 4 giải A thuộc về Sóc Trăng, TP.HCM, Kiên Giang, Tây Ninh. Về giới thiệu trích đoạn lễ hội nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống gồm 4 giải A thuộc về Sóc Trăng, TP.HCM, Kiên Giang, Trà Vinh. Về trưng bày chế biến và giới thiệu ẩm thực gồm 4 giải A, 4 giải B và 4 giải C./.