Năm 2014, chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp với giá 45.000 EUR, đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, Đại Nội Huế. Cuối năm 2021, mũ quan Triều Nguyễn và áo nhật bình cung tần Triều Nguyễn được Tập đoàn Sunshine mua qua cuộc đấu giá tại Tây Ban Nha và đưa về tặng tỉnh Thừa Thiên Huế. Những cổ vật hồi hương đã bổ sung vào nguồn cổ vật của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm, gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết thời gian qua nhiều cá nhân, tổ chức đã đưa được cổ vật Triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài về đây lưu giữ, trưng bày giới thiệu đến công chúng: “Câu chuyện cổ vật của chúng ta, đặc biệt của Triều Nguyễn bị thất thoát ra nước ngoài thì rất nhiều. Về hồi hương cổ vật, nỗ lực của chính quyền cũng như các cơ quan, ban, ngành đã góp phần hồi hương được nhiều cổ vật, đặc biệt những cổ vật có giá trị về thẩm mỹ. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp nhận nhiều cổ vật nhiều hơn nữa”.

Rất nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam đã bị thất lạc ở nước ngoài, trong đó có nhiều hiện vật quý như ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” Triều Nguyễn chuẩn bị đưa ra đấu giá tại Pháp thu hút sự quan tâm. Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trước hết, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Nhà nước, các tổ chức, cá nhân ngoài công lập đều có thể dễ dàng tham gia vào thị trường đấu giá cổ vật quốc tế khi cần thiết. Muốn vậy phải xây dựng hệ thống hành lang pháp lý hoàn thiện để khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình này.

Ông Phan Thanh Hải cho rằng cần khuyến khích và tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội hóa vào công cuộc tìm kiếm, trao đổi, mua bán, đấu giá cổ vật. Bởi nguồn ngân sách bố trí cho các bảo tàng công lập để sưu tầm hiện vật còn rất hạn chế, không đủ để mua cổ vật, nhất là cổ vật từ nước ngoài. Kinh nghiệm đấu giá thành công chiếc xe kéo và chiếc mũ quan đại thần cùng áo nhật bình cho thấy, nếu biết huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Liên quan việc nhà đấu giá Millon đưa kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của Triều Nguyễn Việt Nam ra đấu giá tại Pháp, theo ông Phan Thanh Hải, trong điều kiện hiện nay việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo” là việc khó khả thi. Trong khi đó, Quỹ Bảo tồn di sản Huế vừa được Chính phủ cho phép thành lập vào ngày 20/10 vừa qua, có cơ chế hoạt động linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Do đó, việc huy động nguồn lực cho Quỹ này để thương lượng, mua lại và hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” là phù hợp.

“Những kim sách, ấn tín được định giá mấy triệu USD là chuyện bình thường. Qua trường hợp như ấn 'Hoàng đế chi bảo' mới thấy giá trị cổ vật Việt Nam, đặc biệt là cổ vật cung đình thời Nguyễn rất cao. Nếu huy động ngân sách mà đấu giá là rất khó, vừa không chủ động vừa rất khó khăn. Vì vậy, cần xã hội hóa, huy động các tập đoàn, các cá nhân, các tổ chức có tiềm lực. Quan trọng nhất phải có cơ chế chính sách như thế nào để khuyến khích và chính sách về cổ vật; phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ cho họ, tạo điều kiện để người ta đưa về” - ông Phan Thanh Hải nói.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tỉnh thực hiện xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”. Theo đề nghị của tỉnh này, có 2 phương án để triển khai việc thương lượng mua lại và hồi hương kim ấn Triều Nguyễn. Thứ nhất, huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn Quỹ này để thương lượng với nhà đấu giá Millon (Pháp), kịp thời mua lại và hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”. Phương án 2, vận động các tổ chức, cá nhân yêu quý di sản tham gia thương lượng, mua lại chiếc ấn để đưa về nước. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế và các tổ chức, cá nhân thương lượng với nhà đấu giá Millon để mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp cho việc hồi hương cổ vật; các doanh nghiệp, các cá nhân có thể tham gia, hỗ trợ cho địa phương trong việc thu thập, đấu giá các hiện vật và đưa về nước: “Tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo Thủ tướng và liên lạc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Ngoại giao để tìm hiểu kỹ càng hơn về bảo vật đang quan tâm. Thứ hai là liên lạc với chủ sở hữu cũng như đơn vị đấu giá để có những giải pháp tốt nhất, để đáp ứng tốt nhất mong muốn của chính quyền cũng như người dân Thừa Thiên Huế”.

Ấn “Hoàng đế chi bảo” đang được nhà đấu giá Millon thông báo đấu giá vào chiều ngày 10/11 tại Paris (Pháp). Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được đấu giá lần này có trọng lương hơn 10,7 kg vàng, được chế tác vào năm 1823 dưới thời vua Minh Mạng. Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của Triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để mua lại cổ vật quý giá này./.