Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, năm 1149, vua Lý Anh Tông có chỉ dụ thành lập trang Vân Đồn, thương cảng đầu tiên trên vùng biển Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây quy tụ những bến thuyền trải rộng khoảng 200 km2. Hàng hóa qua thương cảng rất phong phú từ đồ gốm sứ, hương liệu, ngọc trai, trầm hương đến các sản vật của địa phương... Hoạt động quản lý và mua bán của các thương nhân tại thương cảng Vân Đồn đã mang lại thịnh vượng cho quốc gia trong nhiều thế kỷ.

Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Văn Kim, các nghiên cứu lịch sử, các đợt khảo cổ học với những hiện vật cách đây gần nghìn năm đã phác họa bức tranh về quy mô, phạm vi quốc tế của thương cảng Vân Đồn: "Thời Lý - Trần, mối quan hệ giữa Thăng Long và Vân Đồn là hết sức mật thiết, nổi lên vai trò của các trung tâm trong đó hệ thống thương cảng Vân Đồn hợp thành tứ giác kinh tế quan trọng. Chí ít là đến thời điểm Lý - Trần ta có trung tâm kinh tế đối ngoại vùng biển đảo Đông Bắc và trong tứ giác kinh tế đó, Vân Đồn trung tâm kinh tế đối ngoại quan trọng nhất hàng đầu quốc gia Đại Việt".

Bên cạnh vai trò là trung tâm giao lưu kinh tế, Vân Đồn cùng hệ thống đảo của vùng biển Đông Bắc cũng có ý nghĩa rất lớn về mặt quân sự, là “vùng phên dậu trọng yếu của đất nước ở phương Đông” và cũng ghi dấu những chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên Mông.

Đại tá, PGS.TS Dương Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Trong 3 lần chống quân Nguyên Mông thì nhà Trần đã có sự chuẩn bị chu đáo để giữ vững vùng biển đảo Vân Đồn; cử các tướng giỏi, xây dựng thế trận bị phòng thủ tại thương cảng Vân Đồn. Trong lần xâm lược thứ 3, tướng Trần Khánh Dư được cử giữ trọng trách phòng thủ khu vực Vân Đồn. Đúng như dự kiến của ông thì đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị quân dân Đại Việt đánh chìm, góp phần lớn cho quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3".

Gần 9 thế kỷ với những thăng trầm của lịch sử, thương cảng cổ Vân Đồn hiện chỉ còn dấu tích tại các đảo quanh khu vực Quan Lạn, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Minh Châu... Từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã có ý thức trân trọng và gìn giữ những dấu tích này, trong đó các địa điểm Cái Làng (xã Quan Lạn) và Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) được xác định là trung tâm hành chính của thương cảng xưa đã được khoanh vùng di tích. Quảng Ninh cũng rất công phu trong việc tổ chức hoạt động sưu tầm, khai quật khảo cổ với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia đầu ngành để tìm câu trả lời cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị thương cảng Vân Đồn khi tất cả chỉ còn là dấu tích.

TS Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) nêu ý kiến: "Những cái mất đi rồi, chúng ta phải làm cho sống lại bằng diễn giải dựa trên các nghiên cứu và vật thể hóa bằng những cái cụ thể để mọi người hình dung. Ví dụ như ngày xưa  người ta buôn bán gốm thì là loại gốm nào, liên quan tới nghề gốm nào của Việt Nam hay là thế giới, vì đây đã là thương cảng quốc tế. Điều cuối cùng chúng ta không thể quên đó là bảo vệ di sản cho tương lai".

Những giá trị văn hóa, lịch sử cùng những di sản tồn tại qua nhiều thế kỷ chính là nét độc đáo, là giá trị thực của vùng đất Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá để địa phương và các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm văn hóa hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống quê hương và thu hút du khách.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết: "Năm 1812 có một trận đánh chỉ còn được ghi lại trong lịch sử của người Nga. Nhưng còn tên của một ngôi làng là Borodino là nơi M.I.KutuZov đánh thắng quân của Napoleon, điều đó tạo ra niềm tự hào lớn với người Nga... Họ lập ra một bảo tàng và đã thu hút rất đông du khách, vào đó người ta được xem lại các trận đánh với bút pháp của các họa sỹ nổi tiếng với lần lượt với các nhân vật được hiện lên. Như vậy, câu chuyện là phải tạo sản phẩm hấp dẫn và đem tất cả huyền tích của Quảng Ninh về Vân Đồn như một sản phẩm văn hóa".

Vân Đồn đang tận dụng tối đa những lợi thế cả về tự nhiên và các tài nguyên văn hóa để trở thành vùng động lực phát triển mới của Quảng Ninh. Nhận diện được những giá trị đích thực của vùng đất, sẽ giúp Quảng Ninh gắn kết "nhà quản lý", "nhà khoa học" và "nhà đầu tư" để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích thương cảng Vân Đồn, nhất là việc quy hoạch, xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút những nhà đầu tư có tâm, làm sống lại hào khí, đưa mảnh đất này trở về đúng vị thế của một thương cảng quốc tế trong lịch sử./.