Tham dự ngày hội có các đoàn nghệ thuật, đoàn nghệ nhân của các dân tộc Tây Nguyên và Tây Bắc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật như: trình diễn cồng chiêng, múa xoang, tái hiện không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên; biểu diễn múa sạp, múa xoè của người Mường, lễ múa cấp sắc của người Tày, Nùng; múa khèn và diễn tấu sáo trúc của người H'mông. Các em học sinh trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai biểu diễn nhạc cụ dân tộc như đàn đá, tơ rưng…Ngày hội còn có đoàn nghệ nhân Nhà hát múa rối cố đô Huế biểu diễn múa rối nước, rối cạn, rối điện; Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định) trình diễn trống trận, nhạc võ Tây Sơn. 

Tại Ngày hội Di sản có không gian trưng bày hiện vật dân tộc học, gian hàng tái hiện thời bao cấp… Người dân và du khách được nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm các hoạt động văn hoá như nặn tò he, viết thư pháp, thưởng thức trà đạo, đan lát, tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên; tham gia vào các trò chơi dân gian như múa sạp, múa xòe, ném còn, giã gạo, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo; thưởng thực ẩm thực truyền thống của các dân tộc như món thắng cố, mèn mén, các loại bánh dân gian.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thương, du khách đến với ngày hội cảm nhận: “Tuần lễ văn hóa của Gia Lai đợt này tổ chức có cái mới. Tôi thấy sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, xem trình diễn biểu diễn rất là cảm xúc và đã quay lại các hình ảnh để gửi ngay cho các bạn, các nhóm để lan tỏa. Tôi thấy rằng Gia Lai nên tổ chức nhiều hơn nữa, phát huy hơn nữa”.

Ngày hội Di sản năm 2022 là hoạt động hướng đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các hoạt động trong ngày hội năm nay được tổ chức đổi mới, đa dạng, kết hợp hoạt động trình diễn và trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, qua đó quảng bá hình ảnh đất và người Gia Lai, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương./.