Đến nhà ông Trần Thanh Tòng (52 tuổi), chủ tiệm may Thanh Tòng ở đường Huỳnh Cương, phường An Cư, quận Ninh Kiều đúng lúc ông đang hoàn thành những khâu cuối cùng của chiếc áo Nhật bình màu đỏ. Đây là Triều phục dành cho các cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và cũng là Thường phục của hoàng hậu, công chúa thời trước.

Ông Tòng kể, ông bắt đầu theo nghề may từ năm 18 tuổi, đến năm 20 tuổi thì trở thành thợ lành nghề và gần 30 năm chỉ chuyên may quần áo Tây. Nhưng mấy năm trở lại đây, ông thấy giới trẻ theo xu hướng mặc cổ phục Việt chụp ảnh cưới, du xuân, Lễ tết. Vốn yêu văn hóa truyền thống quê hương, từ năm 2018, ông mạnh dạn chuyển sang may áo ngũ thân, áo Nhật bình để vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa quảng bá vẻ đẹp trang phục dân tộc đến bạn bè gần xa.

Để có một bộ áo dài ngũ thân, ông dồn sức từ việc cắt, may lớp chính, lớp lót, đến làm khuy, đơm nút... Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và thủ công. Dù là thợ may lâu năm nhưng thời gian đầu may cổ phục, ông Tòng cũng gặp không ít khó khăn. Ông Trần Thanh Tòng chia sẻ: "Trang phục nào cũng vậy thì phần cổ là phần mình coi như mặt tiền, nhìn vào mắt người khác là cổ phải đẹp, cho nên là phải chăm chút, tỉ mỉ. Tới nữa là hàng nút, nút càng đẹp, càng tỉ mỉ, càng nhỏ thì cái áo càng đẹp, chứ mà cái nút to quá sẽ làm thô cái áo".

Bên cạnh tự tìm hiểu, trau dồi kiến thức, ông Tòng còn kết hợp với anh Nguyễn Duy Linh, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long – một bạn trẻ yêu thích nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ để hoàn thành những chiếc áo đúng chuẩn thời xưa.

Anh Linh chia sẻ, thời gian đầu, anh Tòng may chưa được đẹp lắm, hai anh em đã cùng tìm hiểu, mang hiện vật đối chiếu để phân biệt được áo đúng chuẩn của mỗi miền. Đặc biệt, trang phục áo dài ngũ thân sử dụng trong các nghi lễ đòi hỏi tính trang trọng, vì vậy phải canh vải sao cho các thân, hoa văn phải đối xứng, cân chỉnh đều đặn. Cứ mỗi lần xong một chiếc áo dài, anh lại cảm nhận rõ sự tâm huyết, nghiêm túc từ người thợ may Trần Thanh Tòng: "Khi mà anh Tòng may một chiếc áo, anh rất là cân nhắc những đường kim mũi chỉ, những họa tiết hoặc là đặc trưng của những chiếc áo. Anh Tòng là một trong những người đang tiếp nối quá trình phát triển của chiếc áo, cho những bạn trẻ được tiếp cận và nhiều người sẽ kiếm được tới anh Tòng. Những người bận chiếc áo sẽ là thành phần quảng bá được chiếc áo dài truyền thống".

Trong mấy năm nay, việc giới trẻ yêu thích và mặc áo dài ngũ thân ngày càng phổ biến. Là người mẫu ảnh, thường chọn áo dài mặc vào những dịp đặc biệt và chụp ảnh tại những nơi trang nghiêm, chị Nguyễn Thị Lệ Trinh (23 tuổi), đến từ tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: "Theo một người bạn giới thiệu cho tôi địa chỉ này. Tôi chỉ nghĩ là chiếc áo dài bình thường 2 tà mà người ta hay mặc nhưng khi thấy thì rất bất ngờ. Hồi xưa đến giờ tôi chỉ mới thấy áo dài này trên phim thôi, giờ mới thấy ở ngoài. Tôi cảm nhận nó rất đẹp và lạ".

Phân tích giá trị của áo dài ngũ thân, ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ chia sẻ, áo ngũ thân là một y phục chuẩn theo phong cách Việt đã tồn tại từ hơn 200 năm, chuẩn theo nhiều tiêu chí. Sự tinh tế thể hiện ở kỹ thuật may của người thợ.

Và có thể nói, thợ may Trần Thanh Tòng đã thổi hồn yêu quê hương vào từng chiếc áo dài ngũ thân, để người khác nhìn vào thấy sự trang nghiêm, hồn dân tộc và màu sắc riêng của Việt Nam: "Những người thợ may chăm chút vào những loại trang phục xưa, trang phục truyền thống mặc dù lợi nhuận về kinh tế không có bao nhiêu, nhưng có thể nói trước hết là vì đam mê nghề, thứ hai người thợ này có tâm huyết để giữ gìn những nét trang phục truyền thống và tôi hết sức hoan nghênh. Mong sao sẽ có nhiều người thợ như thế này truyền nghề lại cho nhiều người trẻ biết may trang phục xưa, để cho dòng chảy về văn hóa chảy mãi, còn mãi".

Theo ông Trần Thanh Tòng hiện khách hàng chủ yếu đặt qua online, đa phần là những người trẻ yêu văn hóa truyền thống. Mỗi chiếc áo thành phẩm ngoài mang lại thu nhập cho bản thân, còn hằn sâu trong đó là giá trị văn hóa, tinh thần mà ông truyền đến các bạn: "Chiếc áo này tôi dự định sẽ phát triển theo cách đưa vào cuộc sống, ứng dụng với cuộc sống nhiều hơn, cho các bạn trẻ khi bận vào không thấy già, bận vào thấy tươi vui, năng động. Ngoài cái đó thì tôi cũng góp phần đưa giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc mình đến các bạn trẻ, rồi để lại sao cho các bạn có điều kiện tìm hiểu".

Xu hướng khách hàng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ thích mặc cổ phục Việt trong những dịp trang trọng - đây là một tín hiệu đáng mừng. Ông Trần Thanh Tòng cũng vậy, ông vui vì đó là cách ông đang lan tỏa và khẳng định “dù chiếc áo dài ngũ thân từng trải qua nhiều lần cách tân, nhưng nó không mất đi mà đang trở về với nguyên bản và sẽ sống cùng thời đại”./.