Tham gia Hội nghị có sự góp mặt của bà Phạm Thị Kim Oanh và ông Trịnh Tuấn Thành, đồng Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả. Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; bà Đinh Việt Anh - Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; Vụ Thư viện và đại diện Trung tâm Công nghệ Trợ giúp và Hướng nghiệp cho người mù Sao Mai, cùng báo chí và các bên liên quan. Hội nghị được thảo luận theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục đích chính của Hội nghị được tổ chức nhằm phổ biến những nội dung mới về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022. Đồng thời cũng chủ yếu phổ biến, khai thác và cung cấp thêm những thông tin cho các bên liên quan trong việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật.
Trong gần 2 thập kỷ qua, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn luôn phát huy tốt vai trò, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế. Việc tồn tại nhiều bất cập trong quá trình thi hành Luật, cũng như nhằm đáp ứng tốt với các cam kết quốc tế đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi và bổ sung một số điều phù hợp. Với nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan đã sửa đổi, bổ sung tổng cộng 32 điều. Trong đó sửa đổi 27 điều, bổ sung 5 điều với 5 nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả thẳng thắn đưa ra nhận định: “Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh việc tập trung rà soát, hoàn thiện văn bản hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh một số hoạt động như: công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi; thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan để đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan”.
Bà Oanh cũng nêu rõ việc bảo hộ quyền tác giả, nhất là đối với những người khuyết tật trong tiến trình hội nhập quốc tế, là một việc làm cần thiết và ngày càng được quan tâm, chú trọng. “Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Để có được kết quả này, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên”, bà nói. Trả lời về vấn đề những người khuyết tật khác cũng cần được tiếp cận, bà Phạm Thị Kim Oanh cũng khẳng định trong quá trình soạn thảo, các cấp có thẩm quyền vẫn đang cố gắng mở rộng hơn nữa ở nhóm đối tượng này.
Song song với đó, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Đây sẽ là một dấu mốc lớn, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung của người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và những người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường. Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ mở ra cơ hội bảo đảm cho những người khuyết tật tại Việt Nam có thể thực hiện được quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.
Theo Vụ thư viện, tổng số tài nguyên thông tin dành cho người khuyết tật ở nước ta là hơn 30.000 đơn vị tài liệu, trong đó có: sách nói 12.758 tài liệu, tài liệu nổi 5.776 tài liệu và 13.219 băng, đĩa CD. Trên thực tế, thực trạng về số lượng sách, báo, tài liệu để người khuyết tật dạng nhìn có thể tiếp cận vẫn còn rất hạn chế, việc chuyển đổi các đầu sách thông thường sang định dạng dễ tiếp cận cũng gặp khó khăn, quy định về việc cho phép chia sẻ không có nên đã gây ra nhiều lãng phí. Để tránh những bất cập không đáng có, việc phối hợp giữa các bên liên quan để tìm ra giải pháp là một điều vô cùng cần thiết. Đây cũng là trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc giúp đỡ người khuyết tật có thêm cơ hội được tiếp cận thông tin từ sách như người bình thường khác.
Phát biểu tại hội nghị, ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã đưa ra thông điệp “Sách trên thế giới rất nhiều, tại sao những người khuyết tật nhìn lại không có quyền được tiếp cận những điều đó. Vì thế, chúng ta cần làm việc cùng nhau, sửa đổi luật để giúp cho những người khuyết tật ấy tiếp cận được với sách, đọc và được hiểu biết thêm kiến thức, được trải nghiệm việc đọc sách giống như chúng ta”. Ông cũng bày tỏ hy vọng Hội thảo sẽ là dịp có thể đảm bảo cho những người khuyết tật nhìn sẽ được tiếp cận nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai./.