Công nghiệp Âm nhạc là một trong những cột trụ chính của ngành Công nghiệp Văn hóa mỗi quốc gia. Nếu có thể tạo ra môi trường để vận hành một nền Công nghiệp Âm nhạc bài bản với đầy đủ các thành tố thì sẽ tạo ra doanh thu lớn, đem đến nhiều việc làm, đóng góp tích cực cho GDP.
Tại nước ta, nền Công nghiệp Âm nhạc Việt Nam – cũng giống như nhiều lĩnh vực khác của ngành Công nghiệp Văn hóa – có nhiều tiềm năng và chất liệu để phát triển. Nhưng chúng ta đã có được một nền Công nghiệp Âm nhạc đúng nghĩa với đầy đủ các thành tố chưa? Cuộc trò chuyện giữa phóng viên VOV2 và nhạc sĩ Quốc Trung sẽ đem đến một cái nhìn toàn cảnh về ngành Công nghiệp Âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi thấy cái thiếu nhất là chúng ta đang không có sự hình dung rõ ràng thế nào là một ngành Công nghiệp Âm nhạc, từ đó không có một chiến lược cụ thể. Như thế sẽ rất khó để thành công. Ngay cả phát triển trong nước chúng ta cũng chưa có một kế hoạch rõ ràng, thường là cóp nhặt hay "chộp giật" chỗ này một tí, chỗ kia một tí! Đó không phải là cách phát triển bền vững, và là một hạn chế của Việt Nam.
Bây giờ khi nói về Công nghiệp Văn hóa thì ai cũng nói là “phải như Hàn Quốc, như K-Pop, phải kiếm tiền như BTS”, nhưng để đạt được như vậy không phải chỉ cần có các tài năng nghệ thuật là đủ mà còn phải có môi trường, có chiến lược và phải có thời gian. Rất nhiều nước có những nguồn lực về sáng tạo và nghệ sĩ nhưng không thể có được một nền công nghiệp âm nhạc kiếm tiền giỏi như thế.
Nhạc sĩ Quốc Trung: Hiện chúng ta vừa yếu lại vừa thiếu lực lượng này! Lý do là yếu kém trong khâu đào tạo, không chỉ là đào tạo về chuyên môn cho nghệ sỹ mà còn cả các kỹ năng khác về quản lý, tạo nên sự hạn chế về hiểu biết ngay cả trong những nghệ sỹ đang hoạt động. Một nghệ sĩ cần tìm một người quản lý nhưng thật ra là các bạn ý đang đi tìm những người giúp việc: những người xách quần áo, nhận lịch, book show... chứ không phải là tìm người có tầm nhìn và kỹ năng xây dựng chiến lược. Rất ít, rất ít các nghệ sỹ Việt Nam đang có được nhà quản lí có tầm! Mà thật ra muốn tìm cũng không tìm thấy!
Ngoài ra, khi thiếu hiểu biết và còn mù mờ về mặt vai trò như vậy thì ý thức về việc mình cần có những sự giúp đỡ như thế nào từ người khác cũng rất hạn chế, dẫn tới sự chia sẻ về quyền lợi, kế hoạch để cùng nhau phát triển cũng hạn chế. Tóm lại là thiếu đi tính đồng đội và sự đồng lòng trong phát triển chung.
Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi nghĩ đầu tiên không phải bắt đầu từ kinh tế mà nên là việc tạo ra một môi trường ở đó đề cao sự sáng tạo. Chỉ có một môi trường đề cao sự sáng tạo mới giúp cho các ngành văn hóa sáng tạo (trong đó có Công nghiệp Âm nhạc) phát triển. Khi đã tạo ra được môi trường như vậy thì sẽ có sự tham gia của tất cả các đối tượng trong xã hội chứ không chỉ có nhà nước hay tư nhân. Khi đầu tư vào công nghiệp âm nhạc mang lại lợi ích về kinh tế và hình ảnh thì tôi tin sẽ có nhiều thành phần xã hội cùng tham gia.
Nhạc sĩ Quốc Trung: Rất khó! Lý do thứ nhất vì các nghệ sỹ chưa cho những nhà đầu tư thấy giá trị cả về hình ảnh và lợi ích kinh tế nếu đầu tư vào. Bây giờ chủ yếu vẫn là nhờ quan hệ, và tệ hơn nữa là nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào âm nhạc chỉ mang tính giải trí, trang sức, mua vui mà nó không mang lại sự cao quý khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Đấy là một hạn chế dẫn đến rất khó thu hút đầu tư!
Thật ra nếu muốn đầu tư thì trước hết nên đầu tư vào sản phẩm nghệ thuật của mình đã. Khi đã có sản phẩm thuyết phục được khán giả và nhà đầu tư thì mới có thể nói chuyện với họ được! Còn nếu chỉ dùng quan hệ hay những sự đánh đổi, chiều chuộng thì sẽ khó có thể có sự đầu tư đúng nghĩa từ những nhà bảo trợ văn hóa.
Nhạc sĩ Quốc Trung: Câu hỏi này rất khó trả lời! Có thể sẽ thay đổi rất nhanh, tôi hy vọng là vậy! Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, tôi nghĩ chỉ có một cách để chúng ta phát triển, đó là mở cửa để đón nhận bài học từ các nền văn hóa khác. Từ đó chúng ta học tập những kỹ năng cũng như chiến lược của các nước có công nghiệp văn hóa phát triển. Bây giờ chúng ta cứ nói về Hàn Quốc và K-Pop nhưng chưa thấy một ai sang đó học hay có nghệ sỹ nào của Việt Nam cố gắng tham gia vào những công ty như thế (tất nhiên không phải cứ muốn là có thể tham gia!). Nhưng chúng ta phải có khát vọng. Và khi có được những kết nối thì chúng ta mới có thể học hỏi họ được.
Những nước phát triển như châu Âu hay Mỹ thì nền Công nghiệp Âm nhạc của họ đã hình thành rõ ràng, và họ thường có những quy luật, những công thức để thành công, cộng thêm những tài năng trong môi trường đề cao sự sáng tạo thì họ mới có thể phát triển như vậy! Và để có được một chiến lược thì theo tôi trước hết chúng ta cần sự đánh giá chính xác về thực trạng của bản thân đã.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Quốc Trung./.