Cháu đang có câu hỏi muốn được tư vấn như sau: Hiện tại gia đình cháu (vợ chồng mới cưới, chưa có con, đã từng bị thai lưu 2 lần) ở một khu tập thể cũ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bên cạnh phòng cháu ở, có 1 gia đình mới chuyển về được 3 năm nay.

Nghe hàng xóm nói lại thì người chồng bị bệnh lao trước khi về khu tập thể này, ông ấy hay rượu say, chửi mắng, đánh vợ. Từ ngày gia đình ông ấy về thì loạn cả dãy nhà cháu đang ở mà cụ thể là mất trật tự, mất vệ sinh do ông ấy hay uống rượu, mùi rượu nồng nặc cả hành lang. Gia đình cháu ở phòng trong cùng, muốn đi đâu phải qua hành lang, nơi có phòng nhà ông ấy.

8_ejxm.jpg
Ảnh minh họa

Lại nói về bệnh lao, ông ấy ho quá nhiều, và đi viện điều trị rồi 1 thời gian không thấy ông ấy ho nữa. Nhưng vài tháng sau cháu lại thấy ông ấy ho, ho khủng khiếp. Trong vòng 2 năm qua (tính từ lúc cháu lấy chồng và về khu tập thể này ở) thì vợ ông ấy mang bầu và sinh con.

Cháu có điều thắc mắc là tại sao vợ ông ấy, con ông ấy không bị gì. Cháu không thấy họ ho. Bây giờ cháu thấy rất phiền toái và lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình, vì ông ấy không đeo khẩu trang và hay khạc nhổ bừa bãi. Không ai nhắc được ông ấy. Bây giờ cháu phải làm gì để gia đình cháu yên tâm thoải mái sống?

Vợ ông ấy nói với cháu: ông ấy bị lao kháng thuốc và không chịu điều trị. Dự định của cháu là hè này bắt đầu mang bầu, mà tinh thần cháu không thoải mái thế này. Hôm qua, hôm kia và hôm nay chồng cháu ho nhiều. Cháu hỏi thì anh ấy bảo chắc tại anh uống nhiều nước lạnh. Cháu thực sự rất hoang mang và stress vì người hàng xóm này. Mong bác sĩ giúp cháu tìm phương án giải quyết vấn đề này, cháu cảm ơn nhiều.

Chuyên gia tâm lý tư vấn:

Chào em!

Bệnh lao do vi khuẩn gây ra, nó hoàn toàn có thể điều trị được dứt điểm được nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp, vi khuẩn lao tồn tại rất nhiều trong các giọt nước bọt của người mang mầm bệnh khi hắt hơi hay khạc đờm. Nếu cơ thể có kháng thể với vi khuẩn lao (tiêm phòng vacxin) thì sẽ hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh này.

Biểu hiện thường gặp của bệnh lao phổi là mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi về đêm, ho khạc đờm, ho ra máu, khó thở. Nếu chồng em có những dấu hiệu như trên thì cần thăm khám càng sớm càng tốt để tầm soát nguy cơ lây bệnh. Việc uống nước lạnh không tốt cho sức khỏe vậy nên anh ấy nên từ bỏ thói quen này, bên cạnh đó nên súc miệng, vệ sinh họng bằng nước muối loãng và theo dõi thêm.

Em cũng không nên quá căng thẳng, vì yếu tố tâm lý làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như khả năng thụ thai. Để việc có thai thuận lợi em hãy thả lỏng tâm lý, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể canh ngày trứng rụng để dễ dàng thụ thai.

Về việc chung sống với người hàng xóm có bệnh lao nhưng không tự giác ý thức về việc giữ gìn vệ sinh chung, phòng tránh lây truyền bệnh cho người xung quanh là điều đáng lo ngại. Bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh công cộng không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân nào mà trách nhiệm chung của tất cả mọi người.

Để cải thiện tình trạng này, cá nhân em có thể trực tiếp chia sẻ, trao đổi, góp ý xây dựng với gia đình nhà hàng xóm ấy để giữ hòa khí hàng xóm láng giềng. Hoặc gia đình em có thể kiến nghị vấn đề này với tổ trưởng, ban quản lý khu tập thể hay tại cuộc họp khu tập thể ấy để mọi người cùng tham gia giải quyết.

Những quy định, nguyên tắc và tiếng nói tập thể sẽ có hiệu quả lớn hơn so với chỉ một mình gia đình em nói. Bên cạnh đó gia đình em cũng tự phòng tránh cho mình như tiêm phòng cho các thành viên trong gia đình (những người chưa được tiêm phòng), giữ vệ sinh sạch sẽ phần căn hộ của mình... Hi vọng với thái độ hài hòa, thiện chí nơi gia đình em vấn đề sẽ sớm được giải quyết.

Đôi khi trong cuộc sống có những điều mà chúng ta không thể kiểm soát và thay đổi theo ý mình giống như việc có những người bạn, người hàng xóm không mấy thiện chí thì chúng ta cũng cần lựa thái độ sống sao cho phù hợp. Ít nhất bằng cách đó chúng ta có thể bớt đi những phiền toái, mệt mỏi không đáng có./.