Mới đây, theo thông tin từ Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, Vi Văn Hai-hung thủ gây ra vụ thảm sát 4 người trong một gia đình ở bản Phồng đã có đơn kháng cáo án sơ thẩm. Trong đơn kháng cáo, Vi Văn Hai không kêu oan mà xin giảm từ hình phạt tử hình xuống chung thân.

Ngày 30/9, kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử Vi Văn Hai, hung thủ gây ra vụ thảm sát 4 người trong một gia đình ở bản Phồng (Tương Dương, Nghệ An), Chủ tọa phiên tòa đã tuyên án tử hình - mức án cao nhất dành cho tội ác mà hung thủ đã gây ra.

ban_phong_5_mquz_wnwb.jpg
Hạn chế về nhận thức, trình độ thấp khiến ngay cả khi tòa tuyên án tử hình Vi Văn Hai cũng chưa biết mình phải chết

Tại phiên tòa, Vi Văn Hai đã thừa nhận cáo trạng, chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật. Cùng với mức án tử hình, HĐXX còn tuyên phạt Vi Văn Hai phải bồi thường về dân sự cho gia đình các bị hại. HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho ông Lô Văn Bình (bố nạn nhân Lô Văn Thọ) 78,5 triệu đồng, trợ cấp cho ông Bình mỗi tháng 1 triệu đồng.

Bị cáo buộc phải bồi thường cho ông Lê Văn Toán (bố đẻ nạn nhân Lê Thị Yến) 105 triệu đồng, trợ cấp cho cháu Lê Thị Tâm Như (con riêng của nạn nhân Lê Thị Yến) mỗi tháng 500.000 đồng.

Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình Vi Văn Hai quá khó khăn, mới khắc phục cho hai gia đình bị hại tổng số tiền 700.000 đồng.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm đã khép lại với mức án không thể nghiêm khắc hơn. Ngay cả luật sư bào chữa cũng thấy không thể có mức án nào khác ngoài mức tử hình dành cho Vi Văn Hai. Tuy nhiên, điều đáng nói sau phiên tòa xét xử hung thủ giết 4 người ở bản Phồng, Nghệ An đó là vẻ mặt lạnh lùng, bình thản, thỉnh thoảng nở nụ cười khiến dư luận cho rằng đối tượng quá coi thường pháp luật.

Trên báo Gia đình-Xã hội, nói về bị cáo Vi Văn Hai, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn, cũng là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình Hai cho biết, ngay sau khi được giao làm chủ tọa phiên tòa, ông đã phải tự đặt ra rất nhiều câu hỏi cho mình từ việc Hai có bị tâm thần hay không cho đến còn có đồng phạm nào khác trợ giúp mà Hai có thể giết 4 người cùng một lúc một cách lạnh lùng và chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Trong quá trình xét xử, ông Sơn cũng phải cẩn thận đặt các câu hỏi để xem xét diễn biến tâm lý của bị cáo, có những lúc Hai định không khai, chắp tay nhìn lên trời thì ông Sơn đã phải đưa ra cách hỏi và động viên bị cáo.

Ông Sơn cho rằng, là người dân tộc thiểu số, lại ít học do hoàn cảnh khó khăn, nên trình độ nhận thức của Hai rất hạn chế. Ngay cả khi tòa tuyên án tử hình, y vẫn chưa biết mình phải chết, được tòa cho nói lời cuối cùng y vẫn thản nhiên trả lời “bị cáo không có gì để nói”. Chỉ khi thấy người thân khóc van thảm thiết, nhiều người tới hỏi thì Hai mới tá hỏa nhận biết được bản án mà mình sắp phải chịu.

Tuy nhiên ông Sơn vẫn nhấn mạnh do hạn chế về nhận thức nhưng không thể vì trình độ thấp mà giết người như vậy./.