Mô hình đầu tư lừa đảo với lãi suất “khủng”

Ngày 11/9, TAND Hà Nội đưa ra xét xử vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", với 4 bị cáo là Lâm Hữu Sơn (43 tuổi, quê Bến Tre) nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc King Việt Nam (Công ty King), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư 5F Capital (Công ty 5F); Phan Văn Cường (tên gọi khác là Phan Tuấn Anh, quê Điện Biên), nguyên Tổng giám đốc Công ty King; Nguyễn Hồng Minh (42 tuổi, quê Bình Định) nguyên Phó tổng giám đốc Công ty 5F và Đào Văn Ý ( 46 tuổi, quê TP. HCM) nguyên cố vấn kinh doanh, Phòng kinh doanh Công ty 5F.

sondacap1_tpvr.jpg
Lâm Hữu Sơn (giữa) lập ra các công ty với chiêu trò kêu gọi đầu tư lãi suất cao để lừa đảo. (Ảnh: 5F Capital)

Theo cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa, Lâm Hữu Sơn và Phan Văn Cường là cổ đông sáng lập đồng thời làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty King. Sau khi lập công ty, Sơn và Cường bàn bạc với các thành viên trong HĐQT về việc thiết kế, in catalogue giới thiệu về tiềm năng của công ty với 9 dự án đầu tư và 3 đối tác chiến lược, nhưng thực tế không có thật hoặc không liên quan đến Công ty King.

Sau đó, Lâm Hữu Sơn đưa ra chiến lược thu hút "nhà đầu tư" với hứa hẹn lãi suất cao, từ 36% đến 45% một năm, với gói tối thiểu là 30 triệu đồng. Càng đầu tư với số tiền lớn, "nhà đầu tư" được hứa hẹn trả ưu đãi bằng tiền và hiện vật lớn. 

Từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2014, Công ty King đã huy động vốn của 140 khách hàng với số tiền 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai lãnh đạo của công ty này đã sử dụng số tiền trên cho mục đích cá nhân, dùng tiền của người sau để trả lãi cho người trước, chi phí cho hoạt động của công ty… dẫn đến không thanh toán được cho 97 khách hàng số tiền gốc là 19,6 tỷ đồng.

Dựng công ty đa cấp để tiếp tục lừa đảo

Thấy công ty King có dấu hiệu “vỡ”, Lâm Hữu Sơn tiếp tục dựng nên công ty 5F do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 7/2015 đến 4/2016, Sơn trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Hồng Minh, Đào Văn Ý và một số nhân viên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu, tuyên truyền với khách hàng về Công ty 5F có 14 dự án kinh doanh rất hiệu quả. Nếu góp vốn, nhà đầu tư được hưởng lãi suất 36-72%/năm. 

Công ty 5F hoạt động với hình thức đa cấp, người đến trước sẽ được hưởng hoa hồng và nhiều quyền lợi, nếu giới thiệu thêm người đến sau tham gia các dự án. 

Dự phiên tòa 11/9 có nhiều người cao tuổi, đã về hưu là nạn nhân của công ty lừa đảo 5F. 

Bằng chiêu trò này, từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, công ty 5F đã ký 947 "hợp đồng hợp tác đầu tư" hoặc "hợp đồng góp vốn" với 568 nhà đầu tư, số tiền trên hợp đồng là hơn 173 tỷ đồng, thực thu hơn 153 tỷ đồng. Trong số các nhà đầu tư, chiếm phần đông là những người cao tuổi, hiểu biết hạn chế, bị dẫn dụ vào “ma trận” của Lâm Hữu Sơn. Nhiều người đã giới thiệu bạn bè, người thân tham gia vào dự án và đều bị lừa.

Bà Phạm Thị L.A (65 tuổi, Hà Nội) là một nạn nhân của Công ty 5F cho biết: “Đầu tiên, công ty này mời chúng tôi đến tham dự hội thảo dự án. Bị cáo Nguyễn Hồng Minh là người đứng ra nói chuyện, giới thiệu về dự án. Các đối tượng thực hiện rất bài bản, hứa hẹn về một viễn cảnh tốt đẹp, đầu tư sinh lời. Thời gian ban đầu, các đối tượng cũng trả lãi đúng hạn, khiến chúng tôi tin tưởng và giới thiệu thêm người thân, bạn bè cùng tham gia để kiếm tiền dưỡng già”.

Một nạn nhân khác là bà Bùi Thị N. (67 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị bệnh tim mấy năm nay, được bạn bè giới thiệu công ty này làm ăn đàng hoàng, trả lãi cao nên rút hết tiền tiết kiệm để đầu tư với hi vọng có tiền chữa bệnh lâu dài. Tuy nhiên, sau khi tôi đầu tư và lấy lãi được 4 tháng thì công ty này không trả tiền nữa. Rồi sau đó nghe tin lãnh đạo công ty đã bị bắt khiến chúng tôi rất hoang mang”.

Trong sáng 11/9, TAND TP Hà Nội đã tiến hành đọc cáo trạng và xét hỏi nhân thân các bị cáo. Với tính chất phức tạp của vụ việc cùng số lượng bị hại lớn, phiên tòa dự kiến sẽ tuyên án trong ngày 13/9 tới./.