Tháng 5/2014, Võ Khánh Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Quỳnh Anh thành lập doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Dương, do Dương làm Giám đốc, vợ làm thủ quỹ. Sau khi thành lập doanh nghiệp, để có tiền đầu tư mở rộng kinh doanh, vợ chồng Dương – Anh đã phô trương và hứa trả lãi suất cao từ 2,5% đến 16,5%/tháng để vay tiền của nhiều người.
Hai bị can đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 27 bị hại với tổng số tiền hơn 109 tỉ đồng và lừa đảo 2,6 tỉ đồng.
Vợ chồng Dương - Anh tại phiên tòa. Ảnh: CTV. |
Cụ thể từ cuối 2005 đến cuối tháng 8/2008, vợ chồng Dương đã vay của nhiều bị hại rồi chiếm đoạt để sử dụng cá nhân vào đầu tư kinh doanh, nhận chuyển nhượng một số diện tích đất đai…
Xét thấy có dấu hiệu của vụ án hình sự, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, đồng thời khởi tố bị can về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với vợ chồng Dương - Anh.
Hai vợ chồng Dương đã vay của một số người 30 tỉ đồng để mua nhà đất và xây dựng nhà hàng trong đó có 12 thửa đất tại tổ 17, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Do không có tiền trả nên năm 2008 vợ chồng Dương tiếp tục đi vay tiền của nhiều người khác và sử dụng chủ yếu để trả lãi và gốc các khoản vay trước đó dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội, vợ chồng Dương đã sử dụng một số tiền chiếm đoạt của bị hại để nhận chuyển nhượng hoặc trúng đấu giá một số diện tích đất đai và bị kê biên. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ tài sản nào vợ chồng Dương sử dụng tiền của những người bị hại trong vụ án để mua, tài sản nào do phạm tội mà có, là vật chứng của vụ án, tài sản nào thuộc diện kê biên… để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc kê biên tài sản của các bị cáo là cần thiết nhưng Viện kiểm sát nhân dân Thái Nguyên lại căn cứ vào thoả thuận giữa vợ chồng Dương và một số ít người bị hại, người liên quan để ban hành các quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản và ban hành quyết định trả lại vật chứng cho một số người trái quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Cụ thể, trong quá trình được phân công chỉ đạo kiểm sát điều tra vụ án Võ Khánh Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tỉnh Thái Nguyên, ông Dương Quang Hợp (thời điểm thụ lý giải quyết vụ án là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên), ngày 21/1/2011 đã chỉ đạo kiểm sát viên dưới quyền soạn thảo để mình ký 3 quyết định huỷ bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời ký các quyết định trả lại vật chứng cho 7 công dân trên 27 công dân, trong đó có 5 người là bị hại trong vụ án còn 2 người không phải là bị hại trong vụ án là ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng (anh trai của bị can Nguyễn Thị Quỳnh Anh) được trả lại số tài sản hơn 10,7 tỉ đồng. Hậu quả làm số bị hại khác trong vụ án không được hưởng quyền lợi thi hành án về số tài sản mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã kê biên, tạm giữ.
Vụ án này đã được Viện KSND tỉnh Thái Nguyên ra cáo trạng truy tố các bị can đồng thời chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp xét xử, tài sản bị kê biên là để đảm bảo việc thi hành án sau này. Như vậy thẩm quyền trả tài sản đã bị kê biên phải căn cứ vào bản án của TAND chứ không thuộc thẩm quyền của ông Dương Quang Hợp, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không phát hiện ra những thiếu sót nêu trên và chấp nhận những sai lầm nghiêm trọng của Viện KSND tỉnh Thái Nguyên. Do vậy ngày 15/6/2016 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm quyết định huỷ bản án hình sự phúc thẩm ngày 28/5/2014 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm ngày 27/6/2013 của TAND tỉnh Thái Nguyên chuyển hồ sơ vụ án này cho Viện KSND Tối cao điều tra lại.
Hành vi của ông Dương Quang Hợp đã cấu thành tội “ra quyết định trái pháp luật”./.