Thạch Thị Bé Trúc (23 tuổi, quê Trà Vinh) chạy xe máy men theo những con hẻm ngoằn ngoèo ở thị trấn Đức Hòa (tỉnh Long An), tìm đường về nhà chồng, chiều 24/1. Cô vừa ra khỏi trại tạm giam Củ Chi (TP HCM), được tại ngoại sau gần một năm xa gia đình, đặc biệt là 2 con nhỏ.
Cổng vừa mở, Trúc chạy ào vào nhà, miệng không ngừng gọi lớn: "Bin ơi, Bo ơi… mẹ về rồi nè". Hai đứa nhỏ đang ngủ trưa, dụi mắt rồi òa khóc, sà vào lòng mẹ. Lần trước Trúc được ôm các con là lúc cô đứng trước vành móng ngựa, bị xét xử về hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
"Lúc ở tù tôi cũng thường mơ thấy được ôm các con như vầy. Đêm qua được tại ngoại, tôi muốn về liền với các con nhưng mọi người can vì đường xa quá, sợ nguy hiểm", Trúc bộc bạch.
Trúc vui đùa cùng các con. |
"Vài ngày nữa Tết rồi, mẹ không có tiền sắm quần áo đẹp cho các con nhưng mẹ hứa sẽ không để con phải khổ nữa", Trúc thì thầm, ghì chặt 2 con. Cô lấy món đồ chơi tự tay làm lúc ở trại giam, tặng các con. Một trái tim có tên và ngày sinh của 2 đứa; một chú chó ngộ nghĩnh dành riêng cho Bo - đứa con cô phải xa rời khi nó mới bắt đầu chập chững.
"Những ngày đầu trong trại giam rất kinh khủng. Tôi vật vã với hàng loạt suy nghĩ: con mình đang làm gì, ai đang chơi với con, ai tắm, cho con ăn. Trời chạng vạng hay lúc đêm về, nỗi nhớ càng quay quắt... Tôi chỉ biết ngoảnh mặt vào tường khóc, không biết điều gì sẽ xảy ra với bản thân", Trúc kể.
Nạn nhân của vụ án - Ngọc, là bạn thân cùng làm công nhân với Trúc. Ngọc có cuộc sống khá vất vả vì phải làm mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Hôm đó Ngọc không khỏe, nhờ Trúc chở đi mua thuốc thì không may xảy ra tai nạn. "Điều tôi đau đớn, ân hận nhất là cái chết của Ngọc. Cô ấy đi để lại đứa con thơ cho mẹ già chăm sóc", Trúc nói, giọng bùi ngùi.
Bị giam đến tháng thứ tư Trúc suy sụp hẳn. "Tôi nhiều lần đập đầu vào tường tự tử nhưng được cán bộ nhà giam can ngăn, khuyên nhủ. Dần dần tôi bình tâm hơn, bắt đầu học cách thắt len tạo hình để giết thời gian. Đó cũng là những kỷ vật tôi gửi gắm hết tình yêu thương con vào đó", Trúc nói.
Chơi với con một lúc, Trúc gọi điện cho mẹ của Ngọc, báo tin mình được thả. Dù con gái tử nạn nhưng bà chưa bao giờ trách Trúc. Ngược lại, quá trình điều tra và xét xử vụ án, bà luôn bày tỏ muốn Trúc thoát khỏi vòng lao lý.
"Tôi mong có cơ hội được gần gũi các con, được đi làm để phần nào phụ giúp bác ấy nuôi con của Ngọc", Trúc nghẹn giọng.
Chị gọi điện báo cho mẹ của Ngọc việc được ra trại. |
Về hành vi của Trúc, cơ quan công tố xác định, nguyên nhân tai nạn là do cô điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ôtô. Cô bị cho là "mắc lỗi chính", còn tài xế Hoài "có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái".
TAND huyện Củ Chi 3 lần xét xử nhưng đều trả hồ sơ, yêu cầu trưng cầu giám định tốc độ ôtô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai người làm chứng.
Trong lần xét xử gần nhất, các cơ quan tố tụng vẫn chưa trưng cầu giám định tốc độ ôtô và lời khai nhân chứng. Lần ra tòa này, Trúc khai, tài xế ôtô hôm xảy ra tai nạn không phải tên Hoài như cáo trạng nêu mà là người đàn ông khác. Cô cho biết, chiếc xe chạy với tốc độ rất cao và không mở đèn.
Được triệu tập đến tòa, mẹ nạn nhân Ngọc nói rằng, người đàn ông Trúc đề cập đã đến thăm hỏi con bà trong bệnh viện và thừa nhận chuyện va chạm. Sau phiên toà, luật sư bào chữa miễn phí cho Trúc đã hướng dẫn gia đình thân chủ làm các thủ tục để cơ quan chức năng thay đổi biện pháp ngăn chặn với cô./.