Để đáp ứng yêu cầu thông tin trên Đài Quốc gia, suốt những năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài TNVN (VOV) đã không ngừng tìm tòi, đổi mới, không chỉ ở trang thiết bị kỹ thuật mà còn trong chuyên môn nghiệp vụ. Chính sự nhanh nhạy, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin của mỗi phóng viên khi đi tác nghiệp, mỗi biên tập viên khi thực hiện, dàn dựng chương trình đã góp phần tạo nên sự lớn mạnh của Đài TNVN ngày nay và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thính giả.
Nói về các phương tiện tác nghiệp của nhà báo phát thanh, không thể không nói đến chiếc máy ghi âm. Cách đây khoảng hơn 20 năm, các phóng viên của Đài TNVN vẫn sử dụng những chiếc máy ghi âm rất lớn và nặng tới vài kg, chạy bằng băng cối.
Nhà báo Đức Dụ - nguyên phóng viên Ban Thời sự, Đài TNVN. |
Nhà báo Đức Dụ, nguyên phóng viên Ban Thời sự Đài TNVN chia sẻ, khổ nhất là khi bị sổi băng, hay chuyển trích băng rất mất thời gian. Phóng viên đi tác nghiệp ghi âm về phải đưa cho bộ phận kỹ thuật để chuyển trích băng, dùng đoạn nào phải nhờ kỹ thuật thực hiện, muốn phát sóng lại phải vào phòng thu bấm máy để thu lại... Dần dần, việc đổi mới yêu cầu thực hiện một số chương trình đọc thẳng trực tiếp trên sóng.
Nhà báo Đức Dụ là một trong những người đầu tiên thưc hiện thể hiện trực tiếp 45 phút bản tin Thời sự 18h trên sóng phát thanh. Ông còn nhớ như in kỷ niệm nối cầu từ Bình Thuận để đưa tin về sự kiện nhật thực toàn phần tại Việt Nam ngày 15-10-1995. Muốn nối được cầu, phải dùng đến điện thoại, mà khi ấy cả tỉnh Bình Thuận chỉ có 3 chiếc điện thoại cố định.
Nhà báo Đức Dụ phải liên hệ nhờ máy điện thoại của Bưu điện tỉnh và một mình thực hiện tường thuật, phỏng vấn các nhà khoa học chỉ qua chiếc điện thoại này. Sau đó, ông còn tìm mọi cách, thậm chí bỏ cả ăn để tranh thủ thời gian gửi tin kịp thời về Đài.
“Làm xong rồi mà không kịp ăn, ô tô chở từ đấy về Phan Thiết 30 cây số, mà vừa đi vừa ngồi trên tốc ký viết ghi nhanh, rồi về đến bưu điện lại chạy vào bưu điện gửi tin về. Làm đến mức độ nhiệt tình như thế. Gửi tin bằng fax, còn tiếng động thì phải bật loa lên rồi cho vào tai nghe điện thoại để ở Hà Nội ghi lại. Phương tiện rất thô sơ như thế nhưng mà mình vẫn làm được”, nhà báo Đức Dụ kể.
Những năm trước đây, phương tiện, điều kiện tác nghiệp của phóng viên còn rất khó khăn, nhưng các nhà báo của Đài TNVN đã nghĩ ra nhiều cách để chuyển tải nhanh nhất thông tin cũng như dần đổi mới cách thể hiện trên làn sóng. Nhà báo Đình Khải - nguyên Phó Trưởng Ban Thời sự kể, năm 1986, ông được cử sang Lào đưa tin về Đại hội lần thứ 4 Đảng nhân dân Cách mạng Lào. Trong điều kiện rất khó khăn để chuyển tin từ nước ngoài về, ông đã liên hệ với đại diện hàng không Việt Nam tại Lào để tìm chuyến bay sớm nhất về Hà Nội.
Sau khi biết có 1 chuyến bay vào lúc 12 giờ trưa, ông đã nhanh chóng vừa viết vừa ghi âm, rồi đến Đài Phát thanh Quốc gia Lào nhờ các đồng nghiệp ghi lại vào băng cát-xét. Vậy là chiếc băng đã được chuyển qua đường hàng không về đến Hà Nội vào buổi chiều, để đến chương trình Thời sự 18 giờ ngày hôm đó đã phát tường thuật khai mạc Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ 4 tại Viêng Chăn.
“Ngày ấy chiếc điện thoại còn quay bằng số. Tôi nhớ có 1 mùa bão lụt tôi đã nghĩ ra cách để phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại từ Phú Yên và Khánh Hòa xem tình hình bão lụt trong ấy như thế nào bằng cách làm rất thố sơ nhưng hiệu quả. Tôi lật ngược máy điện thoại lên rồi đấu đầu vào máy ghi âm và tôi đã thực hiện thành công. Khó khăn đến mấy nhưng nếu chúng ta phát huy được những sáng kiến thì vẫn có thể thực hiện tốt chuyên môn”, nhà báo Đình Khải nhớ lại.
Từ trong những khó khăn về điều kiện, phương tiện tác nghiệp, các thế hệ nhà báo của Đài TNVN vẫn luôn tự mình tìm tòi, sáng tạo, đổi mới. Ngày nay, các phóng viên của Đài TNVN đã được trang bị máy móc, thiết bị, kỹ thuật hiện đại nhất khi đi tác nghiệp để phục vụ đưa tin nhanh và hiệu quả trên sóng.
Một phóng viên có thể làm được tất cả mọi việc từ thu âm, cắt trích băng trên máy tính, dựng thành sản phẩm phát sóng và gửi về Đài ngay tại hiện trường qua internet. Tuy nhiên, ngay cả khi không có internet, các phóng viên của Đài TNVN vẫn được trang bị tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Điển hình như trong sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Đài TNVN đã cử ngay một nhóm phóng viên đi cùng lực lượng cảnh sát biển ra hiện trường.
Phóng viên Việt Cường (Trung tâm Tin) là người đã trực tiếp lênh đênh trên biển 37 ngày đêm giữa sóng to gió lớn và nguy hiểm, thu thập, đưa thông tin liên tục về diễn biến sự việc và quá trình đấu tranh của cảnh sát biển Việt Nam chống lại những hành động sai trái của Trung Quốc.
Anh kể, giữa biển Đông, không sóng điện thoại, không internet, nhưng anh rất yên tâm vì đã có điện thoại vệ tinh do Đài trang bị. Đây là phương tiện duy nhất có thể chuyển tải thông tin về đất liền. Bất cứ khi nào có tin mới, Việt Cường lập tức đọc về qua điện thoại vệ tinh để phát sóng, hoặc nối điện thoại trực tiếp với biên tập viên tại phòng thu. Vì thế, Đài TNVN không chỉ cập nhật liên tục những thông tin nóng hổi từ Hoàng Sa, mà còn là cơ quan báo chí đưa nhiều tin đầu tiên, nhanh nhất về sự việc này.
Phóng viên Việt Cường chuyển tin từ Hoàng Sa về Đài TNVN qua điện thoại vệ tinh. |
“Tôi thông qua điện thoại vệ tinh gọi về thì các bạn đồng nghiệp tại Trung tâm Tin đã thu lại để phát sóng kịp thời các bản tin thời sự trong ngày của Đài TNVN. Tôi nghĩ trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại ngày nay nếu chúng ta không ứng dụng nhanh chóng thì sẽ rất lạc hậu. Bản thân tôi cũng ý thức mình phải luôn phấn đấu, học hỏi nhiều hơn nữa để có thể ứng dụng công nghệ thông tin tốt nhất vào công việc chuyên môn của mình, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của Đài TNVN”, phóng viên Việt Cường kể.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các thế hệ nhà báo của Đài TNVN đã nhanh chóng tiếp thu, ứng dụng hiệu quả trong quá trình tác nghiệp. Những nỗ lực đó đã được bạn nghe Đài ghi nhận. Mỗi nhà báo của Đài TNVN luôn nhận thức rằng, tiếp tục đổi mới, bắt kịp những công nghệ tiên tiến là xu hướng tất yếu của phát thanh hiện đại. Và đó cũng là cách để Đài TNVN đến gần hơn với thính giả trong thời đại thông tin như hiện nay./.