Sóng biển không chỉ cuốn trôi nhiều dải rừng phòng hộ ven biển, mà còn nguy cơ san phẳng nhiều khu dân cư. Đặc biệt, có những nơi sóng biển còn “nuốt” hết đất sản xuất của người dân.

vov_ven_bien_dbscl_sat_lo_1_rnfi.jpg
Sạt lở ven biển Trà Vinh rất phức tạp và tiếp tục uy hiếp đất sản xuất của người dân.

Xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất của tỉnh Trà Vinh. Địa phương này có 8,5 km đường bờ biển, thì toàn tuyến đều bị sạt lở.

Thực trạng sạt lở tại đây đã làm nhiều hộ dân mất hết đất sản xuất, sổ đỏ của bà con đang nằm dưới lòng biển. Thực trạng trên vẫn tiếp tục đe dọa phần đất sản xuất còn lại của hàng chục hộ dân.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, diện tích đất canh tác ven biển không thể phát huy hiệu quả do sương muối từ biển tràn vào tàn phá. Những ruộng hoa màu từ giảm năng suất đến không cho thu hoạch.

Còn tại Cà Mau, hiện trạng sạt lở ven biển cũng đến mức báo động “đỏ”. “Biển bạc” không chỉ nuốt chửng hết “rừng vàng” phòng hộ ven biển mà còn “ăn” vào đến đất sản xuất của người dân. Thậm chí, nhiều hộ dân sống trong những khu dân cư ven biển đã phải vài lần dời nhà.

Ông Lê Minh Luân, hộ dân đã nhiều năm sống tại Khu dân cư ven Cửa biển Bồ Đề (ấp Bõ Hữu, xã Tam Giang Đông) cho biết: "Vạt rừng ven cửa biển Bồ Đề hồi đó còn dài ra mấy công đất. Khu dân cư chúng tôi cách cửa biển lên đến hơn 100 mét. Vậy mà chỉ vài năm trở lại đây thôi, sóng biển cứ đánh hoài, lở miết đến nay gia đình tôi đã hai lần phải dời nhà. Còn mấy người hàng xóm cũng phải dời hết".

Ở cách đó vài căn nhà, gia đình anh Trương Văn Dũng cũng đã hai lần phải cuốn gói chạy sạt lở. Hiện tại, căn nhà của gia đình cũng chỉ còn cách biển hơn chục mét. Theo tính toán của anh, mùa gió chướng tới vào khoảng tháng 10 – 11, có thể gia đình sẽ  phải dọn đi. Những lúc thời tiết cực đoan kết hợp cùng thủy triều lớn, sóng cuốn đất nhanh trong khi bản thân anh đang ngoài biển nên rất lo lắng cho vợ con.

Anh Trương Văn Dũng chỉ điểm sạt lở cách nhà mình chưa đến chục mét.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch xã Tam Giang Đông, cho biết: Tình trạng sạt lở ven biển của xã không chỉ diễn ra tại Khu dân cư ấp Bõ Hữu (với gần 60 hộ dân sinh sống) mà 16 km đường bờ biển của xã đều phải gánh chịu thực trạng trên.

Năm 2001, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã lên tới gần 7.100 ha. Hiện diện tích chỉ còn 6.100 ha. Vừa qua, chỉ trong vài tháng, những đoạn bị sóng biển cuốn mất khoảng 50 - 70 mét, đánh sạch rừng phòng hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến vuông tôm./.