Hôm nay (22/4), đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu nguyên nhân cá chết và lấy mẫu kiểm tra.

ca_chet_vdbx.jpg
Sau khi cá biển chết trôi dạt vào bờ, cá nuôi ở khu vực Lăng Cô- Chân Mây cũng bị chết hàng loạt (Ảnh: Lê Hiếu)

Tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan ở tỉnh Thừa Thiên- Huế vào sáng nay, đoàn đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cung cấp chứng cứ, hình ảnh về cá chết, các mẫu cá chết còn lưu giữ, số lượng cá chết và mức độ ảnh hưởng đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh...

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tượng cá biển chết bất thường trôi dạt vào bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu xuất hiện từ ngày 15/4, từ vùng biển xã Lộc Vĩnh và khu vực Chân Mây - Lăng Cô; sau đó xuất hiện rải rác ở một số xã biển khác, trong đó có cá nuôi chết khoảng 6.000 con, chủ yếu là cá vẩu và cá mú.

Theo ngành chức năng tỉnh thừa Thiên - Huế, cá nuôi chết không phải do nhiễm bệnh. Hiện chưa rõ nguyên nhân cá nuôi bị chết, tuy nhiên rất có thể cá tự nhiên chết trôi vào bờ dẫn đến ô nhiễm và kéo theo cá nuôi tại sông Lăng Cô và đầm Lăng Cô bị chết.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), trưởng đoàn công tác cho biết, sau khi lấy mẫu nước biển, mẫu cá chết và mẫu trầm tích ở vùng biển Quảng Bình, trong ngày hôm nay (22/4), đoàn tiếp tục về vùng biển Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế để lấy mẫu kiểm tra.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung khẳng định, vẫn chưa có kết luận nào liên quan đến cá biển chết dạt vào bờ dọc 4 tỉnh thành của miền Trung. Theo quan sát của đoàn từ hôm qua đến nay, từ Quảng Bình đi vào, hiện tượng cá chết đã giảm./.