Càng bước vào cao điểm mùa khô tình hình hạn mặn càng gay gắt. Mặc dù có sự chuẩn bị từ đầu nhưng lúa, hoa màu của tỉnh Trà Vinh vẫn bị chết khô trên diện rộng.
Tại Bến Tre, nước sinh hoạt đang thiếu hụt trầm trọng, hàng ngàn hộ dân, các bệnh viện, xí nghiệp, khách sạn phải sử dụng nước bị nhiễm mặn. Trước tình hình cấp bách hiện nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại và giảm thiểu khó khăn của người dân.
Nước ngọt đưa từ Tiền Giang về có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/m2 |
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú - địa phương có lúa bị thiệt hại nhiều nhất cho biết: “Những nơi nào có nguy cơ thiếu nước chúng tôi cho nạo vét tuyến kênh, thứ hai có kế hoạch khi nguồn nước cạn kiệt chúng tôi chủ động đắp kênh đầu mối để tát chuyền để làm sao bà con hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”.
Đối với hơn 20.000ha diện tích lúa đã thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh khuyến cáo nông dân tuyệt đối không xuống giống vụ hè thu vào thời điểm này; khẩn trương nạo vét thủy lợi nội đồng và huy động toàn bộ lực lượng bơm chuyền nước từ kênh cấp II vào kênh cấp III để nông dân tự bơm vào ruộng.
Trước tình thế cấp bách hiện nay, trước mắt UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh 70 tỷ đồng để thực hiện công tác thủy lợi và hỗ trợ bơm tát. Còn trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng 8 trạm giám sát độ mặn tự động trên các sông sông Hậu và sông Cổ Chiên; nạo vét các kênh trục dẫn ngọt từ phía Vĩnh Long và xây dựng thêm 3 cống đầu mối để khép kín toàn bộ vùng dự án.
Ông Đoàn Tấn Triều, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát riển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sở đã đề ra kế hoạch vận hành cống đầu mối để tích nước khi có điều kiện. Chủ động nạo vét kênh cấp II và vận động người dân tựu nạo vét kênh cấp III. Ngoài các biện pháp công trình sở tuyên truyền, vận động người dân tưới tiết kiệm nước, kiểm soát dịch hại… Chúng tôi đề nghị Trung ương thực hiện cống đầu mối Bông Bót-Tân Dinh, nạo vét kênh trục Trà Ngoa để làm sao cố gắng khắc phục thiệt hại trong điều kiện có thể”.
Trong khi đó tại Bến Tre nước ngọt là vấn đề khó khăn nhất hiện nay, hiện địa phương có trên 60.000 hộ dân phải dùng nước sinh hoạt nhiễm mặn. Đặc biệt nhà máy nước Sơn Đông – nhà máy cung cấp nước chủ lực cho thành phố Bến Tre và các vùng lân cận hiện không đủ nước ngọt cung cấp.
Theo đó cả thành phố Bến Tre người dân phải sử dụng nước nhiễm mặn gần 2%o, nguồn nước này không đáp ứng được nhu cầu của nhưng đơn vị đặc thù như bệnh viện, khách sạn cao cấp, nồi hơi áp suất trong sản xuất, do đó Công ty cấp thoát nước Bến Tre phải dùng sà lan, xe bồn chở từ Tiền Giang về, ưu tiên cung cấp cho các đơn vị này. Ngoài ra, công ty cho triển khai đấp đập tạm trên rạch Bến Rớ để bổ sung nguồn nước thô khi thủy triều thấp, nước từ thượng nguồn đổ mạnh.
Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng giám đốc Công ty cấp thoát nước Bến Tre cho biết: “Để giảm thiểu độ mặn trong nước sinh hoạt trước mắt chúng tôi triển khai trạm bơm dã chiến. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khái dự án cung cấp nước thô từ thượng nguồn với quy mô lớn, theo tiến độ toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6, 2016, trong đó trạm bơm nước thô sẽ hoàn thành vào cuối tháng để cung cấp cho thành phố Bến Tre và vùng lân cận”.
Đến nay hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre vẫn chưa được khép kín vì còn 5 cống lớn chưa được đầu tư. Dự kiến kinh phí xây dựng 5 cống này hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã chấp thuận đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng cống Thủ Cửu, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Còn hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre hiện còn 3 cống chưa được xây dựng nhưng Tổ chức JICA Nhật Bản đang tiến hành khảo sát để có phương án đầu tư hiệu quả.
Ông Cao Văn Trọng Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói: “Trong 5 cống thủy lợi Bắc Bến Tre nếu cống Thủ Cựu thực hiện hoàn thành tác động mặn đối với tỉnh sẽ giảm rất nhiều. Đặc biệt mùa mặn 2016 tỉnh sẽ khắc phục được 1 phần. Đối với thủy lợi Nam Bến Tre phía cù lao An Hóa và cù lao Minh sẽ có 2 hồ nước để trữ và cấp nước ngọt trong thời gian hạn mặn”.
Với những giải pháp cụ thể cộng với sự hỗ trợ tích cực từ phía Trung ương, tin rằng trong thời gian tới Bến Tre, Trà Vinh – hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu sẽ khắc phục được tình trạng hạn mặn, đời sống người dân sẽ được ổn định hơn./.