Tiếp thu ý kiến của dư luận, Thường trực Thành ủy TP HCM vừa có kết luận về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Theo đó, thành phố cho phép dạy thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh.
Trước đây, việc dạy thêm, học thêm cũng với tinh thần "tự nguyện" đã bị biến tướng thành tràn lan gây bức xúc dư luận nhưng hiện giờ quản lý như thế nào để tránh tiêu cực?
Chị Nguyễn Phương Dung, một phụ huynh có con học lớp 8 ở Quận 6 băn khoăn việc cho phép dạy thêm, học thêm có thể dẫn đến giáo viên đứng lớp dạy không tích cực để rồi dành cho buổi dạy ngoài giờ. Nhưng so đi tính lại thì chị vẫn ủng hộ chủ trương này vì phù hợp với thực tế ở đô thị.
Nói chung là nếu tự nguyện thì tùy từng gia đình. Gia đình nào không thể đưa đón con được thì có thể gửi con học cả ngày để mình yên tâm hơn. Còn nếu học sinh mà yếu quá thì vẫn phải cho học thêm.
TP HCM cho phép dạy thêm trên cơ sở tự nguyện của học sinh (ảnh minh họa) |
Theo thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy TP HCM, nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định.
Nhà trường cần tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên theo học, phân bổ hợp lý thời gian dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh. Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có học sinh học 2 buổi/ngày và đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.
Ông Đoàn Thế Oai, giáo viên tiếng Anh, trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Quận 1 cho rằng, việc quản lý dạy thêm giao cho hiệu trưởng là đúng đắn. Hiệu trưởng phải thật nghiêm khắc và chịu trách nhiệm mọi hoạt động dạy thêm của giáo viên, tránh việc giáo viên gây khó dễ, o ép học sinh để gây áp lực cho học sinh đi học thêm. Đồng thời tránh tình trạng ra bài kiểm tra giống với chương trình học thêm.
Ông Đoàn Thế Oai nói: “Hiệu trưởng phải thăm dò ý kiến của học sinh là các em có thích học hay không hay là các em bị ép buộc. Phải có tổ chức đàng hoàng. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, hiệu phó chuyên môn phải lên kế hoạch. Rồi giáo viên dạy phải xuất phát tự ý thức của học sinh, phải có kiếm tra đánh giá đàng hoàng”.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 khẳng định, ban giám hiệu sẽ quản lý dạy thêm hết sức chặt chẽ từng khung chương trình, bài giảng và thông tin cụ thể đến phụ huynh.
“Nhà trường phân loại học sinh rất rõ, tức là học sinh nào cần bổ sung cái gì, nội dung bài học nào cần mở rộng nâng cao cho các cháu. Ở đây, giáo viên trình lên cho ban giám hiệu duyệt. Chúng tôi đưa một chương trình dạy cụ thể trong năm học, từng thời điểm thời gian y như dạy chính khóa và hoàn toàn quản lý được giáo viên”.
Việc cho phép dạy thêm trong nhà trường trước mắt vẫn có lợi cho học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải tiến đến việc học sinh chỉ học trong giờ học ở trường và không cần học thêm, dạy thêm nữa. TP HCM cũng đang thực hiện nhiều phương án theo lộ trình, hướng đến mục tiêu chấm dứt dạy thêm, học thêm./.