Hồi 7h ngày 31/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Tây Nam quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.

Đến 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Bến Tre-Cà Mau khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

ap_thap_xrwe.jpg
Chùm ảnh đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng;  gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 105-112 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay (31/10) đến hết ngày 02/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-150mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nơi trên 200mm.

Vùng thấp gần Biển Đông

Hiện nay ở khu vực phía Đông miền Trung Philippines đang có một vùng áp thấp, có vị trí lúc 07h, ngày 31/10 ở vào khoảng 6-7 độ Vĩ Bắc; 130-131 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan khoảng 1200km về phía Đông, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/giờ.

Cảnh báo: Vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20km/h, tiếp tục mạnh lên và có khả năng đi vào Biển Đông trong ngày 2/11./.