Đến 17h40' chiều ngày 21/3, lực lượng cứu hộ cứu nạn cảnh sát PCCC công an tỉnh Đồng Nai kết hợp cùng một nhóm thợ lặn chuyên nghiệp được điều động đến hiện trường lặn xuống dòng sông tìm kiếm đầu đẩy của chiếc sà lan. Sau hơn một giờ đồng hồ ngụp lặn nhóm thợ lặn đã quay lại bờ.

Theo một thợ lặn trực tiếp xuống đáy sông, hiện trường hết sức ngổn ngang bê tông, sắt thép. Chiếc đầu đẩy sà lan cũng đã được tìm thấy nằm dưới đáy sông ngay gần trụ cầu bị gẫy sập.

cau_ghenh_112_voht.jpg
Nhóm thợ lặn ra ngoài hiện trường để tìm kiếm đầu đẩy sà lan. 

“Tôi quan sát rất kỹ và xác định phần đầu đẩy của chiếc sà lan đã bị rất nhiều thanh thép của cây cầu đè lên. Chúng tôi đã lấy một số bộ phận quan trọng cần thiết của chiếc đầu đẩy giao cho cơ quan công an để phục vụ cho công tác điều tra” - một thợ lặn này cho biết thêm.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vẫn chưa chốt được phương án trục vớt cầu gãy mà cần phải nghiên cứu thêm, có thể ngày mai sẽ có quyết định cuối cùng. Qua khảo sát thì nhận thấy công tác tháo dỡ và di dời các vật ở dưới sông là khó khăn do dòng chảy rất xiết, canô tiếp cận khó.

Có mặt tại hiện trường, ông Đới Sỹ Hưng, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi xảy ra sự cố sập cầu, Bộ GTVT đã giao cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam lập phương án khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Đồng thời lên phương án làm cầu tạm, sửa chữa hoặc xây dựng mới cầu khác. Mục tiêu khắc phục sự cố một cách nhanh nhất.

“Hiện nay gần như toàn lực của tổng công ty đang tập trung ở phía nam nhằm giải quyết sự cố sập Cầu Ghềnh. Mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt hành khách đến cũng như đi tại TP HCM. Do ga Biên Hòa nhỏ nên công ty phải điều tiết làm sao hợp lý nhất nhằm giảm áp lực cho nhà ga tránh ùn tắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách” - ông Hưng nói./.