Thông tư số 15 của Bộ Y tế đã quy định định mức tối đa về số lượt khám. Cụ thể, mỗi bác sĩ được khám đến 65 lượt bệnh nhân một ngày. Nếu khám đến người thứ 66 trở lên sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Thông tư số 15 của Bộ Y tế đã quy định mỗi bác sĩ khám đến 65 lượt bệnh nhân một ngày.
Vậy, liệu có xảy ra tình trạng bệnh nhân thứ 66 trở lên sẽ không được khám và phải ra về hay không? Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm rõ vấn đề này.
Phóng viên: Thưa bà, định mức tối đa về số lượt khám quy định tại Thông tư 15 là 65 lượt bệnh nhân/1 bác sĩ/1 ngày. Quy định như vậy có dễ xảy ra tình trạng cơ sở y tế tuyến dưới tìm cách chạy theo định mức này để tăng nguồn thu không?
Bà Nguyễn Thị Minh: Nói về vấn đề này, tôi nghĩ cũng khó, nói nhiều cũng có thể đúng hoặc không đúng. Nếu như trình độ của bác sĩ rất tốt, không cần nhiều thời gian để chuẩn đoán bệnh sẽ cũng không nhiều, đó là bình thường.
Nhưng nếu như chạy theo định mức mà năng lực, trình độ ở các tuyến dưới chưa đáp ứng được mà cứ khám theo số lượng, ví dụ như phải đủ 65 ca bệnh, tôi cho rằng đó là trường hợp chạy theo số lượng, không phải chú trọng đến chất lượng.
Chúng ta đi nước ngoài cũng đã biết, họ khám bệnh rất kỹ. Chúng tôi cũng không khuyến khích vì đấy là định mức tối đa cho phép, chứ vẫn phải khuyến khích bác sĩ phải cẩn trọng và chuẩn đoán đúng bệnh.
Phóng viên: Một tình huống khác, tại những bệnh viện tuyến trên quá tải bệnh nhân, liệu có xảy tình trạng bệnh nhân thứ 66 trở lên sẽ không được khám và phải ra về không thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Minh: Tôi nghĩ là tính toán của Bộ y tế và bảo hiểm xã hội cũng tương đối sát, khối lượng bệnh nhân đến không đến mức quá tải để phải đi về.
Ở đây chúng tôi đưa ra những định mức để hạn chế việc lạm dụng chạy theo số lượng, tôi nghĩ không bệnh viện tuyến nào có bệnh nhân xếp hàng rồi lại phải quay về.
Phóng viên:Để góp phần giảm tải cho tuyến trên, Bộ Y tế đã đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế, không giao khoán quỹ khám chữa bệnh như hiện nay. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh:Tôi cũng thống nhất với đề nghị của Bộ Y tế nhưng phải dựa trên năng lực của từng trạm y tế. Khi thực hiện, tất cả những kỹ thuật đã phân cấp cho y tế cơ sở mà bệnh nhân lại muốn vượt lên tuyến trên thì sẽ không được thanh toán, bệnh nhân chỉ được thanh toán gói dịch vụ cơ bản.
Những gì tuyến xã làm được sẽ thanh toán qua tuyến xã, và không thanh toán ở tuyến trên nữa, người dân sẽ phải bỏ tiền ra nếu tự vượt tuyến. Sau này nếu bệnh nhân có vượt tuyến thì phải được bệnh viện tuyến trên chấp thuận, nếu không tình trạng này cũng rất khó, vì hiện nay cứ lên tuyến trên lại được thanh toán cao hơn.
Chúng tôi nếu thấy bất cập và sẽ đề suất với Bộ Y tế sửa để chúng ta có những giải pháp thực sự đồng bộ vì nếu nói hướng về cơ sở thì tất cả những giải pháp phải tập trung về cơ sở.
Xin cảm ơn bà!./.
Chi tiền giường quá cao, Hà Nội bội chi quỹ Bảo hiểm y tế
VOV.VN -Thực tế chi phí tiền giường tại các bệnh viện tuyến huyện chiếm 56% trong tổng chi phí KCB BHYT, trong khi chỉ chi 20% là thuốc điều trị.
Đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV trên cả nước có thẻ bảo hiểm y tế
VOV.VN - Đến năm 2020, cả nước sẽ có 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế. Đây là mục tiêu được Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đưa ra.
Đổi mã số Bảo hiểm Y tế, người dân lợi gì?
VOV.VN - Mã số thẻ giúp kiểm soát được vấn đề cấp trùng thẻ, khắc phục được tình trạng thay đổi như: in, cấp lại hàng năm gây tốn kém chi phí.
Các thủ đoạn gian lận bảo hiểm y tế thường gặp
VOV.VN - Chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, lấy lại dữ liệu thẻ của người đã chuyển đi chỗ khác lập khống hồ sơ… để trục lợi BHYT.
Thẻ bảo hiểm y tế bị in sai thời hạn, xử lý như thế nào?
VOV.VN -Cơ quan BHXH phải xử lý việc in sai thẻ chứ không để người tham gia BHYT phải tự đi giải quyết tại cơ quan BHXH các quận, huyện.