Theo Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 6.300 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại trên tất cả các loại hình nuôi.

Trong đó, có gần 500 héc ta nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại trên 70%. Nguyên nhân tôm chết là do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, môi trường biến đổi đột ngột, mực nước trong ao cạn kiệt dần khiến độ mặn tăng cao.

vov_tom_wgrq.bmp
Tôm nuôi ở Bạc Liêu chết do nắng nóng.

Trước tình hình này, tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ 100 tấn hóa chất chlorine để khắc phục, cải tạo diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, đồng thời tiêu độc khử trùng môi trường phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con tập trung thực hiện một số biện pháp để hạn chế diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

Ông Hồ Minh Phú-Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản, Chi Cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo: "Đối với những diện tích người dân đã thả giống thì bà con bổ sung những chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe cho tôm. Về vấn đề nhiệt độ, bà con lưu ý vấn đề mực nước  duy trì thấp nhất cũng là 1,2m để tránh sự phân tầng nhiệt độ giữa ngày và đêm, gây sốc cho tôm. Đặc biệt đối với tôm thẻ sức ăn rất mạnh cũng dễ xảy ra các bệnh đường ruột vì vậy chúng ta phải canh thức ăn kỹ so với thời điểm thời tiết ổn định"./.