Từ 1/1/2017, các trường cao đẳng và trung cấp nghề sẽ do Bộ LĐ, TB và XH quản lý. Nhiều người lo lắng rằng, khi thay đổi cách quản lý trường nghề, không biết quyền lợi của người học sẽ như thế nào? Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói: “Toàn bộ những trường thuộc hệ Cao đẳng hay Trung cấp đã được bàn giao về Bộ LĐ - TB&XH tuyển sinh 2016 sẽ tiếp tục thực hiện hết nhiệm kỳ và bằng cấp, chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, những trường đó sẽ học theo chương trình khung do Bộ LĐ-TB &XH chủ trì”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc thay đổi này là vì Chính phủ muốn nâng dần tính tự chủ, giảm tối đa cơ quan chủ quản như các bộ hay các tỉnh vào công việc đào tạo nghề. Xu hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là giảm tải và giảm mạnh các trường công lập, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạng lưới các trường tư thục”.

dao_ngoc_dung1_exyd.jpg
 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Về tiêu chuẩn đội ngũ lãnh đạo, thầy cô, cũng như chương trình học, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ vẫn tiếp tục thực hiện theo các tiến độ, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với thời điểm trước 1/1/2017. Sau ngày 1/1/2017, Bộ bắt đầu cập nhật, bổ sung trên cơ sở điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp để cho phù hợp hơn với thực tế.

Về chương trình đào tạo liên thông, đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Trước năm 2016 chương trình vẫn giữ nguyên theo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2017, Thủ tướng đã giao cho Bộ Giáo dục và Bộ LĐ-TB &XH xây dựng quy trình liên thông và tiêu chuẩn liên thông để những người đủ tiêu chuẩn có nhu cầu tiếp tục học theo chương trình liên thông. Về vấn đề này, chúng tôi đang giao cho Tổng cục Xây dựng nghiên cứu đề án đổi mới cơ bản và toàn diện về giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Rất nhiều người nói đến đào tạo nguồn nhân lực nhưng ít người đề cập đào tạo nghề. Tôi nghĩ, chúng ta phải chú trọng đến công tác đào tạo nghề. Chúng ta phải xác định rằng, đào tạo nghề là vấn đề cấp thiết hiện nay nếu muốn nâng cao năng suất lao động, đổi mới tăng trưởng. Thời gian tới, chúng ta phải chú trọng đến việc phân luồng đối với học sinh THCS và THPT, bao nhiêu phần trăm sẽ học nghề? Bao nhiêu phần trăm sẽ tiếp tục học ở cấp cao hơn?”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng: Ở nước ngoài, tỉ lệ vào đại học chỉ có 30% còn ở Việt Nam thì ngược lại. Vì vậy, chúng ta cần phân luồng để tiến tới sẽ đạt 70% đi học nghề.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB &XH đang xây dựng chuẩn đầu ra của 200 nghề có trình độ quốc gia, 100 nghề có trình độ ASEAN và 50 nghề có trình độ quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ LĐ-TB &XH tiếp nhận 34 bộ giáo trình chuẩn quốc tế để các em ra trường không chỉ đủ trình độ làm việc trong nước mà còn có thể tham gia lao động ở thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc dạy nghề phải gắn rất chặt với nhu cầu của thị trường lao động để các em học xong, ra trường là có việc làm.

Trước đó, Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm.

Chính phủ nêu rõ, Bộ LĐ - TB&XH cùng với các bộ, cơ quan quản lý trực tiếp các trường trung cấp, cao đẳng khẩn trương chỉ đạo thực hiện tự chủ trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm nhanh can thiệp hành chính của bộ chủ quản và UBND các tỉnh; nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Để làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Bộ LĐ - TB&XH không phải là cơ quan chủ quản của các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Bộ LĐ - TBXH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tức là xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật về giáo dục nghề nghiệp”.

Theo ông Đào Ngọc Dung, tạm thời Chính phủ phân làm 3 lĩnh vực: toàn bộ các trường CĐ dạy nghề, trung cấp nghề sẽ giao cho Bộ LĐ - TBXH; lĩnh vực y dược Chính phủ phân công cho Bộ Y tế ban hành khung giáo dục y dược; khối sư phạm giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thay đổi là để xây dựng quy hoạch hệ thống này, tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách để phát triển hệ thống dạy nghề, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể trong Nghị định 143 quy định rất rõ quy trình thủ tục, tiến hành sáp nhập, giải thể thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng ở đây cần phải phân biệt rất rõ Bộ LĐ-TB &XH là cơ quan quản lý nhà nước còn chủ quản hiện nay phần lớn đều nằm ở các bộ./.