Đó là một trong những nội dung tại Hội thảo báo chí Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới diễn ra sáng nay (2/11) tại TP HCM, do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức. 

Tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương, thường bị phân biệt kỳ thị, đối xử ngay trong gia đình và ngoài xã hội. Đại diện Vụ pháp chế - Bộ Y tế cho biết, thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ công nhận 2 giới tính nam và nữ, đồng thời Luật Hôn nhân gia đình cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới.

Tại hội thảo, những người chuyển giới chia sẻ nhiều khó khăn khi không có luật nào hỗ trợ họ trong việc chuyển đổi giới tính. Họ phải tìm nhiều cách để kiếm tiền, tích lũy nhằm đi ra nước ngoài can thiệp về giới tính, tiêm hóc môn chuyển đổi giới tính vì Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức cho phép các cơ sở y tế thực hiện can thiệp y học chuyển đổi giới tính. Người chuyển giới phải mua hóc môn trôi nổi ở nước ngoài về tự tiêm, chịu những đau đớn về thể xác và tinh thần vì chưa có cán bộ y tế nào được hướng dẫn thực hiện tiêm hóc môn chuyển giới cho người khác… Có rất nhiều người chuyển giới phải tìm đến nghề mại dâm vì bị kỳ thị, không thể xin được việc làm, bị bạo hành tình dục...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, quản lý chương trình KP2 - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho rằng, vấn đề cộng đồng người chuyển giới quan tâm nhất trong Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính là điều kiện phải có can thiệp về y tế mới được thừa nhận người chuyển đổi giới tính. Đây là là một vướng mắc rào cản đối với người chuyển giới.

"Có những người chuyển giới không có điều kiện về kinh tế, sức khỏe không có để thực hiện những can thiệp về mặt y học. Và thậm chí về mặt sức khỏe phải đảm bảo để có thể điều trị hóc môn. Nếu áp dụng điều này vào dự thảo thì vô hình chung chúng ta bỏ lại phía sau những bạn chuyển giới không có điều kiện để can thiệp y học", bà Dung cho biết./.