vebay1_vov_ksps.jpg
Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội, cột cờ Hà Nội hay Kỳ đài được xây dựng vào năm thứ tư của triều Gia Long, tức là vào năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812. Cột cờ Hà Nội cao hơn 33m, gồm ba tầng: đế, thân cột và vọng canh, được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia năm 1989.
Thế nhưng, trên các bức tường của cột cờ Hà Nội đang bị bôi bẩn, vẽ bậy chi chít xung quanh, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới di tích Quốc gia này.
Hình vẽ không chỉ dùng phấn, bút xóa mà nhiều người còn khắc lên những bức tường tên hoặc ký tự.
Nét vẽ cả mới lẫn cũ đè lên nhau nham nhở ở Kỳ đài Hà Nội.
Những mảng tường bị bao bọc bởi những hình vẽ loang lổ, chằng chịt gây mất mỹ quan.
 Tương tự Cột cờ Hà Nội, tháp Hòa Phong, nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), là di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân được dựng từ đời Minh Mệnh nhưng hiện nay cũng bị ảnh hưởng bởi những hình vẽ, nét khắc.
Nét vẽ nguệch ngoạc, không rõ hình thù khiến vòm của tháp trông rất mất mỹ quan.
Thậm chí một số người còn sử dụng vật sắc, nhọn để khắc tên làm hư hỏng di tích.
Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ năm 1898 và khánh thành năm 1902. Cây cầu là một chứng tích lịch sử không thể tách rời với Thủ đô trong suốt thế kỷ XX. 
Thế nhưng, ngày nay, cầu Long Biên lại thêm một nhiệm vụ mới, là "chứng nhân của tình yêu"?
 Ngay trên những thành cầu xuất hiện nhiều dòng chữ  rất mất mỹ quan, thể hiện sự vô ý thức của chủ nhân chúng.
Nhiều ổ khóa cũng được treo lủng lẳng ở cầu Long Biên.
Theo điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ một triệu đến ba triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. 
Mức phạt tăng tới 5 - 15 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị dưới 50 triệu đồng, và 30 - 40 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.