vov_5_ethc.jpg
Sáng 16/9, tại khu vực thí điểm làm sạch môi trường bằng công nghệ Nhật Bản tại sông Tô Lịch và Hồ Tây, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường của Nhật Bản và Việt Nam bắt đầu tiến hành lấy mẫu nước để đánh giá đánh giá toàn bộ kết quả thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.
Đồng thời, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật-Việt (JVE), đơn vị lắp đặt công nghệ Nano đã tiến hành thả các loại cá như cá Koi (quốc ngư của Nhật Bản), cá chép Tam Dương của Việt Nam, cá rô đồng xuống sông Tô Lịch.
Tại hiện trường, chuyên gia Nhật Bản cho biết, cá Koi Nhật Bản cũng như cá chép Tam Dương điều kiện sống phải ở môi trường nước sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm cá sẽ chết.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, việc thả cá này sẽ chứng minh nước Tô Lịch sau xử lý có các chỉ số như oxy hòa tan trong nước, mức độ ô nhiễm, các vi sinh vật có lợi đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.
Cá rô đồng cũng được thả vào khu vực thí điểm.
Cá rô được thả ở khu vực thí điểm trên hồ Tây.
50 con cá Koi Nhật Bản và 50 con cá chép Việt Nam được thả vào trong bể nước đã qua xử lý bằng công nghệ Nano của Nhật trên sông Tô Lịch. Số lượng cá được thả tại hồ Tây là 50 con cá Koi Nhật Bản và 100 con cá chép Việt Nam.
Đại diện JVE khẳng định, cá sẽ sống khỏe tại môi trường nước sông Tô Lịch sau khi đã được xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor.
"Hôm nay cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu để mang về phân tích, thì khoảng 10 ngày sau sẽ cho kết quả. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội và các cơ quan chuyên môn liên quan", đại diện phía Nhật Bản cho biết.
Như đã đưa tin, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor.  Sau một thời gian thí điểm bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn./.