Theo phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây tại các thành phố như: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái tình trạng taxi dù đang bùng phát mạnh. Trong đó, nhiều nhất là ở thành phố Hạ Long.

vov_taxi_fnyx.jpg
Lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Quảng Ninh thường xuyên ra quân xử lý nhưng taxi dù ở Quảng Ninh vẫn ngày càng nở rộ.

Tại các tuyến phố chính như: Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông... taxi dù đỗ thành hàng dài để chờ khách.

Taxi dù ở đây chủ yếu là xe ô tô 4-5 chỗ, có dán thương hiệu nhưng không mang phù hiệu, sơn kẻ theo quy định, mào được gắn bằng nam châm trên nóc xe...

 Một tài xế taxi dù cho biết, để trở thành taxi dù rất đơn giản, chỉ cần có xe ô tô và nộp phí thương hiệu cho hãng là có thể chạy taxi đón khách, thu tiền: “Em đăng ký tem, mào, thuê bao hàng tháng để thuê thương hiệu, như xe em là 1,4 triệu. Hãng sẽ hỗ trợ cung cấp địa chỉ đón khách. Nếu ai có nhu cầu cấp phù hiệu thì họ sẽ cấp”.

Theo chỉ dẫn của các lái xe taxi dù, chúng tôi tìm tới văn phòng hãng Taxi Hưng Long tại địa chỉ 473, Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Sau khi biết được ý định của chúng tôi muốn thuê thương hiệu để chạy taxi dù, người điều hành của hãng nhiệt tình chào mời: “Em muốn chạy dù chứ gì? Em đóng tiền thương hiệu và tiền ký quỹ ràng buộc trách nhiệm giữa em và công ty thôi. 2 triệu ký quỹ với 2 triệu thương hiệu là 4 triệu. Còn em mua thêm thiết bị gì thì tính tiền thiết bị ấy. Muốn làm taxi thì lại phải lắp nhiều thứ lắm. Em cứ vào đi rồi làm cái này nó phải có đợt. Tập hợp ít cũng phải chục xe”.

Taxi dù sử dụng mào có gắn nam châm nên có thể tháo ra dễ dàng để né lực lượng chức năng.

Không chỉ Taxi Hưng Long mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh Taxi được cấp phép hoạt động của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cũng đang sử dụng "chiêu" bán thương hiệu để thu lợi bất chính, như: Taxi Sao Mai, Đức Tài, Thịnh Hưng... Tình trạng bùng phát taxi dù đang làm các hãng taxi kinh doanh đúng pháp luật rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, ở thành phố Hạ Long đã gắn bó với nghề lái xe Taxi tại Công ty CP Xe khách Quảng Ninh được hơn 8 năm. Anh Cường cho biết, nghề taxi chưa bao giờ khó khăn như hiện nay:“Lượng xe bây giờ quá nhiều nhưng không hề có đăng ký. Ai cũng mua xe rồi ra ngoài đường chạy, nhìn công tơ mét tính tiền. Trước đây xe của tôi doanh thu từ 1 – 1,2 triệu/ngày, còn hiện tại chỉ khoảng 500 - 600 ngàn đồng/ ngày, có hôm được 200 nghìn. Tình trạng xe dù nhiều không đảm bảo cuộc sống thì phải tìm việc khác”.

Ông Nguyễn Văn Huyền, Giám đốc Công ty CP xe khách Quảng Ninh cho biết, năm 2016, hãng có hơn 100 xe taxi nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 50 xe. Doanh thu một xe cũng sụt giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước: “Hiện nay số lượng Taxi dù trên địa bàn đang rất lớn. Công ty của chúng tôi 100% là vốn của doanh nghiệp, hàng tháng, kê khai đầu vào, đầu ra để đóng thuế cho Nhà nước nên vấn đề cạnh tranh với xe dù đang rất khó khăn. Giá của chúng tôi thì theo giá niêm yết còn giá của Taxi dù thì các anh ấy tự thỏa thuận với khách hàng”.

Giải pháp cho vấn nạn này ngay từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản về việc quy định mẫu phù hiệu riêng cho xe ô tô taxi của tỉnh Quảng Ninh. Sau khi có quy định, nhiều doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng tình trạng "taxi dù" vẫn hoạt động công khai với số lượng ngày một tăng lên.

Ông Đào Duy Thọ, Đội trưởng Đội thanh tra giao thông Số 2, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần phải có sự phối hợp vào cuộc của nhiều lực lượng mới xử lý triệt để được thực trạng taxi dù: “Họ chỉ cần để cái mào đề chữ taxi là người ta nhìn thấy cũng vẫy. Khi họ nhìn thấy lực lượng chức năng thì bỏ mào coi như là xe bình thường. Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, họ có thể chạy hoặc lùi bạt mạng rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Tỉnh Quảng Ninh cần có những quy định, chế tài mạnh tay hơn nữa để dẹp loạn taxi dù. Việc này sẽ giúp người dân, du khách và các doanh nghiệp kinh doanh taxi yên tâm khi tham gia giao thông, xây dựng hình ảnh đẹp về một Quảng Ninh thân thiện, mến khách ./.