Sở Y tế tỉnh Kon Tum vừa chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Đăk Tô tiến hành xử lý kỷ luật đối với ông Tô Ngọc Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện này vì sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của người khác, cụ thể là anh ruột của mình. 

Việc Sở Y tế tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với ông Tô Ngọc Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đăk Tô được đưa ra sau khi có kết quả xác minh của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đối với bằng tốt nghiệp cấp 3 mà ông Tô Ngọc Phấn đang sử dụng.

Theo đó, trong năm học 1978- 1979 ông Tô Ngọc Phấn không có tên trong danh sách thí sinh tỉnh Hà Tĩnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp 3. Giải trình với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum về khuất tất này, ông Phấn thừa nhận, bản thân đã lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 của anh ruột rồi chỉnh sửa thông tin thành bằng tốt nghiệp của mình.

Trước sai phạm của ông Tô Ngọc Phấn, Sở Y tế tỉnh Kon Tum yêu cầu Trung tâm y tế huyện Đăk Tô thực hiện hai nội dung, gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị trao đổi, thống nhất với cấp ủy tiến hành xử lý kỷ luật về Đảng và ngay sau khi có kết quả tiếp tục tiến hành xử lý kỷ luật viên chức theo quy định của Chính phủ. Việc xử lý kỷ luật đối với ông Phấn phải hoàn thành, báo cáo về Sở Y tế, Huyện ủy, UBND huyện Đăk Tô trước ngày 20/6/2017.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cũng đã giao cho lãnh đạo 27 đơn vị thuộc ngành tiến hành tổng kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, nhân viên và phát hiện có nhiều trường hợp sai phạm. Đáng chú ý có 2 trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp không hợp pháp để học chuyên tu bác sĩ; 6 trường hợp sử dụng chứng chỉ tin học không hợp pháp…

Về việc xử lý các trường hợp vi phạm, Bác sĩ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, nói: “Quan điểm của ngành không né tránh cũng không bao che, làm đến nơi đến chốn và phải tìm ra rõ ngọn ngành để xử lý thỏa đáng. Để xử lý kỷ luật một con người phải có sự cân nhắc. Có thể sự kỷ luật của ngành đến hiện nay dư luận một số chưa thỏa mãn. Nhưng nếu mình không có chiếu cố những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng tội cho anh em cống hiến cả đời. Cái quan trọng là chấn chỉnh việc đó chứ không phải là kỷ luật đến mức không cho người ta lối thoát. Đó là cái khó khăn nhất trong ngành. Trong quá trình tuyển dụng bố trí, sắp xếp sau này phải chặn ngay từ đầu để hạn chế tối đa việc đi giải quyết hậu quả”./.