Sau một ngày đặt thiết bị và sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản để xử lý tình trạng ô nhiễm trầm trọng của sông Tô Lịch, người dân sống gần con sông nhận định mùi hôi thối đã giảm hẳn dù thời tiết Hà Nội đang nắng gay gắt.
Liệu tuyên bố trước đó của các chuyên gia Nhật Bản khẳng định, công nghệ của họ sẽ làm giảm hẳn mùi hôi sau ba ngày có thành hiện thực? Theo ghi nhận ngày 17/5 của phóng viên VOV.VN, dù mới lắp đặt máy lọc dưới lòng sông được một ngày, nhưng nhiều người dân sống xung quanh khu vực thí điểm đã ít nhiều thấy được sự thay đổi của con sông.
Ông Phạm Huy Hùng, người dân sống gần sông Tô Lịch cho biết: “Tôi tin tưởng vào người Nhật. Họ nổi tiếng về nhiều công nghệ nên hy vọng chất lượng sẽ tốt. Từ hôm qua đến hôm nay, tôi thấy đoạn sông này màu nước nó sáng hơn một chút. Ngày trước, đứng ở đây ngửi mùi rất là khó chịu, nhưng hôm nay đã đỡ hơn rồi. Song tôi cho rằng, có lẽ phải một tuần thì mới thấy sự thay đổi rõ rệt hẳn”.
Ông Phạm Huy Hùng, người dân sống gần sông Tô Lịch tin tưởng vào tính hiệu quả của dự án. |
Những người dân sống ven sông hiểu rõ sông Tô Lịch nhất, cũng đưa ra nhiều ý kiến hoài nghi về sự “thần kỳ” của công nghệ Bio-nano của Nhật Bản. Trước đây, đã nhiều lần sông Tô Lịch được nạo vét, vớt rác... nhưng rồi đâu lại vào đấy, mùi vẫn hoàn mùi, ô nhiễm nồng nặc.
Song lần này, nhiều người giống ông Hùng, đều tin tưởng vào công nghệ và chất lượng dự án. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi sống ngay sát bờ sông Tô Lịch và chứng kiến con sông bị ô nhiễm trầm trọng, bốc mùi kinh khủng, nhất là những ngày nắng nóng hay mưa to. Mới hôm qua, tôi thấy họ lắp đặt máy lọc để sục lọc dưới lòng sông, đến hôm nay đã thấy có hiệu quả chút ít. Hôm nay dù trời nắng nóng to nhưng mùi không nồng nặc như trước”.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, sông Tô Lịch có 2 vấn đề lớn là mùi hôi và lòng sông có các lớp bùn dày. Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản sẽ phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Đây là công nghệ xử lý căn cơ, tận gốc nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông.
Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản có tên gọi “Nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông, hồ” và được kỳ vọng sẽ xử lý được tình trạng cá chết, làm sạch lòng sông, hồ ở Thủ đô.
Với công nghệ mà phía Nhật Bản đem tới, mỗi máy Bioreactor được coi là những nhà máy xử lý nước thải tý hon đặt ngay dưới lòng sông.
Các máy Bioreactor của Nhật Bản liệu có thể làm hồi sinh dòng sông Tô Lịch? |
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của sông càng thêm trầm trọng. Những dự án làm sạch môi trường như thế này phần nào giúp cho người dân cảm thấy an tâm hơn về hoạt động bảo vệ môi trường của Thủ đô. Tuy nhiên, dự án này có thực sự hiệu quả hay không thì phải sau một tháng nữa mới có thể khẳng định.
Đoàn chuyên gia môi trường Liên Hợp Quốc do TS Tadashi Yamamura dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bày tỏ mong muốn hỗ trợ Hà Nội trong xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản.
Công nghệ mới của phía Nhật Bản hứa hẹn sẽ giải quyết được mùi hôi của sông Tô Lịch trong vòng 3 ngày và phân hủy được hết tầng chất thải, bùn nằm dưới lòng sông trong vòng 2 tháng.
Hiện tại dự án mới chỉ triển khai một số máy xử lý nước tại đầu nguồn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo thông tin từ ban tổ chức, chỉ trong vòng 3 ngày thì những chiếc máy này đã có thể tạo ra điều kỳ diệu.