Chiều 17/7, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức họp báo công bố chi tiết những sai phạm liên quan đến điểm thi của Hà Giang.

Sai phạm xảy ra trong quá trình chấm thi đã được ngành chức năng phát hiện, nhưng qua vụ việc này đã cho thấy, các khâu trong quá trình tổ chức thi, chấm thi của kỳ thi này chưa thực sự đảm bảo tính an toàn.

Sự việc này cũng gây mất niềm tin của xã hội và cả thí sinh về tính an toàn, công bằng của kỳ thi.

Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang và kết luận của Bộ Giáo dục – Đào tạo về những sai phạm trong khâu chấm thi môn trắc nghiệm ở tỉnh này, nhiều học sinh đã bày tỏ sự hoang mang, lo lắng về tính công bằng trong kỳ thi.

hop_bao_1_oxlc.jpg
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT)
nói về sai phạm trong chấm thi tại Hà Giang trong cuộc họp báo chiều 17/7.

Nguyễn Thị Hồng, cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Thường Tín, Hà Nội bức xúc: "Nhiều bạn học hành vất vả mà lại có gian lận được điểm cao hơn thì rất bất công".

Mặc dù những sai phạm trong khâu chấm thi ở tỉnh Hà Giang đã được ngành chức năng chỉ rõ và có hướng xử lý, nhưng rõ ràng vụ việc đã gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục trong việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng cho tất cả các thí sinh như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng công bố.

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức trên tất cả các địa phương, trên quy mô toàn quốc nên cũng khó tránh khỏi những tiêu cực nhất định, đặc biệt vấn đề tiêu cực lại được thực hiện bởi những cán bộ có thẩm quyền trong quy trình tổ chức kỳ thi.

Sau vụ việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức rà soát lại toàn bộ dữ liệu chấm thi để kịp thời phát hiện những trường hợp bất thường khác.

"Theo tôi Bộ nên mời một số chuyên gia xử lý dữ liệu và trên cơ sở gần 1 triệu dữ liệu thí sinh, khoảng độ 6-7 triệu bài thi thì sẽ xử lý thống kê, trên cơ sở những phương pháp toán học đưa ra những điểm bất thường. Khi đó, tôi nghĩ rằng, điểm bất thường không chỉ đơn thuần là tập trung ở Hà Giang mà có thể có một số điểm bất thường khác khi xử lý dữ liệu sẽ phát hiện ra".

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, những thí sinh được nâng điểm trong vụ việc tiêu cực này thì kết quả chấm thẩm định đã đưa điểm thi về điểm thực và các trường đại học sẽ dựa trên điểm chính thức cuối cùng của thí sinh để xét tuyển. Vì vậy, việc xét tuyển của các trường hầu như chưa ảnh hưởng đến các thí sinh khác. Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi dù vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi, nhưng không vì thế mà đánh giá toàn bộ kỳ thi này có vấn đề.

"Đây mới là vấn đề của Hà Giang và Bộ đã phát hiện và xử lý, vì vậy không thể vì xét lại toàn bộ kỳ thi của cả nước. Về cơ bản, kỳ thi vẫn là nghiêm túc, Hà Giang có thể là trường hợp cá biệt vì bản thân là các trường đại học cũng tham gia trông thi. Các trường thì vẫn tin vào kết quả cuối cùng của Bộ", bà Thủy nêu ý kiến.

Một số ý kiến cũng cho rằng, trong vụ việc tiêu cực này, không phải Bộ Giáo dục- Đào tạo mà là chính các chuyên gia và phương tiện thông tin đại chúng đã phát hiện những điểm bất thường về kết quả điểm thi ở Hà Giang qua dữ liệu điểm thi mà Bộ công bố.

Dư luận mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thẩm tra tiếp những trường hợp có nghi ngờ và sớm công bố kết quả để tạo sự công bằng cho các thí sinh./.