Gia đình ông Hồ Văn Hùng (60 tuổi) là một trong 9 hộ dân sống gần sát sông Đồng Nai đoạn chảy qua xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Mỗi năm, đất sản xuất của gia đình ông Hùng bị thu hẹp lại do bờ sông sạt lở. Đoạn sông sạt lở ngày càng kéo dài, lấn sâu.

sat_lo_vov_1__bliw.jpg
Người dân lo sợ dòng sông nuốt chửng từng mét đất của gia đình 

Ông Hồ Văn Hùng cho biết: “Từ đời ông nội, ông ngoại tôi đã ở đây. Sạt lở vô đất của gia đình ngang khoảng 3-4m, dài mấy chục mét. Mưa lớn gia đình phải chạy ra dòm coi đất có bị nứt hay không, nếu nứt đất phải chuyển đồ vào phía trong”.

Không riêng gì 9 hộ dân ở xã Thạnh Hội, mà 12 hộ dân khác sinh sống tại phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên nơi có sông Đồng Nai đi qua cũng đang lo ngại trước tình trạng sạt lở đất.

Theo bà Hoàng Thị Hoa người dân ngụ ở khu vực trên thì thời gian qua, dòng sông nuốt chửng con đường nhỏ trước nhà, một thời gian nữa có thể căn nhà của bà cũng đổ ập xuống lòng sông. Giờ đây, tường nhà bà bắt đầu xuất hiện các vết nứt kéo dài.

Bà Hoa lo lắng: "Tôi rất lo lắng, sợ sập nhà sập cửa. Tôi chỉ mong muốn Nhà nước cho mình nền đất hay hỗ trợ được gì đó để ổn định cuộc sống”.

Ông Hồ Văn Hùng chỉ đất của mình bị sạt lở khá nhiều 

Ngoài những hộ dân ở thị xã Tân Uyên, thì tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng có 65 hộ dân đang sống trong khu vực sạt lở nghiêm trọng của sông Đồng Nai.

Theo người dân, nguyên nhân sạt lở là do những năm trước, nhu cầu xây dựng tăng cao đã kéo theo việc “cát tặc” tăng cường hút cát trái phép trên các đoạn sông nên ảnh hưởng đến nền đất ở bờ sông. Mặt khác, hiện nay trên sông Đồng Nai rất nhiều sà lan có tải trọng lớn thường xuyên vận chuyển cát, đá lưu thông nhiều gây nên tình trạng sạt lở. Trước thực trạng đó, người dân cho rằng, chính quyền chưa cương quyết xử lí nên vẫn còn đối tượng bơm, hút cát trái phép.

Ghi nhận thực tế tại sông Đồng Nai đoạn qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên cho thấy, mật độ sà lan lưu thông dày đặc. Các sà lan có trọng tải “khủng” đậu nhiều nhất là đoạn gần các mỏ đá khu vực xã Thường Tân, Tân Uyên của huyện Bắc Tân Uyên. Sà lan chở đá lưu thông trên sông, tạo thành từng đợt sóng nước dội mạnh vào bờ. Bên cạnh đó, khu vực sát bờ sông còn có rất nhiều bãi cát, cùng nhiều sà lan lớn đang chờ chở đi phân phối. 

Theo người dân, những chiếc sà lan lớn chở đá từ mỏ đá Thường Tân, Tân Mỹ là tác nhân gây sạt lở

Theo ông Trương Văn Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, trước đây khu vực sông Đồng Nai có tình trạng hút cát lậu. Công an các xã, phường cùng lực lượng Công an thị xã Tân Uyên thay phiên nhau tuần tra để giải quyết nạn “cát tặc”. Về tình trạng người dân phải sống nơm nớp bên miệng “hà bá” thì lãnh đạo thị xã Tân Uyên đã chỉ đạo địa phương bố trí khu tái định cư di dời các hộ đến nơi an toàn. Nhưng để các hộ dân chuyển đi là điều không dễ.

Ông Giang giải thích: "Đa số các hộ dân sống ven sông Đồng Nai có mức thu nhập bình quân, trung bình. Khi di dời chi phí hỗ trợ thấp, người dân chịu di dời nhưng không có kinh phí xây dựng nhà mới để ở”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 479, phê duyệt chính sách hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân ven sông Đồng Nai.

Những bãi cát vẫn tồn tại ngay bờ sông Đồng Nai dù chính quyền cho rằng không còn nạn "cắt tặc"

Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ di dời khá thấp, bình quân khoảng trên dưới 10 triệu đồng/nhà ở cấp 4 có diện tích xây dựng dưới 100m2. Do đó, số hộ dân di dời vào khu tái định cư rất ít. Bởi vậy, các địa phương có hộ dân trong vùng sạt lở như Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên đang trình UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương xây dựng phương án thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ di dời mới cho các hộ dân thuộc khu vực có mức độ sạt lở nguy hiểm.

Riêng UBND thị xã Tân Uyên, địa phương này đang tăng cường triển khai thực hiện các phương án phòng chống thiên tai tại khu vực ven sông Đồng Nai để bảo đảm tính mạng cho người dân, cũng như ổn định sản xuất. Song song đó, địa phương cũng tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng mới các tuyến đê kè.

Sạt lở nhiều nên người dân mua xà bần về đổ giữ đất 

Bà Lê Minh Phương, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên cho biết: “Địa phương đã thành lập đoàn khảo sát để khảo sát các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao ven sông Đồng Nai. Hiện nay đã thống kê danh sách và đang xây dựng phương án thu hồi đất theo Luật đất đai 2013 để các hộ dân có đủ kinh phí di dời đến nơi ở mới”.

Rõ ràng sạt lở bờ sông Đồng Nai thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của cả trăm hộ dân. Việc làm cấp bách hiện nay của các địa phương không chỉ là di dời các hộ dân mà cần siết chặt không để "cát tặc" lộng hành và kiểm tra lưu lượng sà lan qua lại nơi đây; đồng thời nghiên cứu xây kè chống sạt lở. Nếu không vài năm nữa diện tích thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên sẽ thu hẹp lại, và một số xã như Bạch Đằng, Thạnh Hội nằm trên cù lao giữa sông Đồng Nai sẽ có nguy cơ không còn./.