Chiều ngày 26/2, Hạt Kiểm lâm thành phố Tuy Hoà tiến hành tiếp nhận 2 cá thể Voọc chà vá chân xám, gồm 1 cá thể cái (mẹ) và  1 cá thể đực (con) với tổng trọng lượng khoảng 5 kg, do ông Nguyễn Quang Đăng và Võ Trí, trú phường 6, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên bàn giao.

01_qnah.jpg
Hiện 2 cá thể Voọc Chà vá chân xám rất yếu. (Ảnh độc quyền: Thái Hồng Kỳ).

Theo Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hoà, kết quả nhận diện hai cá thể Voọc này có đỉnh đầu, lưng, cánh tay và chân cùng màu xám, đuôi trắng, có túm lông ở cuối. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố tại các tỉnh Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai.

Ông Nguyễn Quang Đăng  cho biết, trong lúc đi ngoài đường, ông và ông Võ Trí tình cờ phát hiện hai cá thể Voọc chà vá chân xám này được một người không rõ danh tính bán bán ở một quán nhậu. Qua tìm hiểu ông Đăng biết đây là động vật hoang dã quý hiếm và tình trạng sức khoẻ hai cá thể Voọc Chà vá chân xám rất yếu, chân cả hai cá thể đều bị thương; và bỏ tiền ra mua về với mục đích nhờ các cơ quan chức năng giải cứu.

Cho Voọc Chà vá chân xám (mẹ) uống sữa để hồi phục sức khoẻ, tiếp tục cho Voọc con bú. (Ảnh độc quyền: Thái Hồng Kỳ).

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Tuy Hoà cho biết, đây là hành động rất đáng trân trọng. Hạt kiểm lâm thành phố Tuy Hoà đang tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để bàn giao hai cá thể Voọc này cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Ông Nguyễn Đức Hiếu cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin từ anh Nguyễn Quang Đăng và chuyển 2 cá thể Voọc này cho cơ quan chức năng cứu hộ. Chúng tôi đã liên lạc với Thảo cầm viên và họ sẽ có công văn đồng ý tiếp nhận 2 cá thể này. Trên cơ sở đó, Hạt tham mưu cho UBND thành phó Tuy Hoà ra quyết định giao lại 2 cá thể Voọc cho trung tâm cứu hộ. Nếu sau này 2 cá thể Voọc đảm bảo sức khoẻ thì sẽ thả về rừng sớm”.

Cả 2 cá thể Voọc đều kiệt sức. (Ảnh độc quyền: Thái Hồng Kỳ).

Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam. Theo thống kê năm 2016, quần thể bầy đàn Vọoc chà vá chân xám tại các khu vực nói trên dao động từ 500 - 700 con. Hai cá thể Voọc chà vá chân xám này thuộc nhóm 1B, nằm trong danh mục cực kỳ nguy cấp, nguy cơ tuyệt chủng mức CR được quy định tại Nghị định 32/2006 của Chính phủ./.