Trước thực tế đã có những nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia vừa có công văn yêu cầu các bệnh viện phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo đó chỉ thực hiện những kỹ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao khi đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ chuyên dùng. Các bệnh viện phải cử bác sỹ gây mê có kinh nghiệm nhất để thực hiện việc đặt nội khí quản nếu có thể.
Các đơn vị cần dự trù và cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế. Trong trường hợp thiếu, không mua được, cần báo cáo ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và Ban Chỉ đạo các cấp để tìm giải pháp khắc phục.
Trong các kỹ thuật điều trị, chăm sóc người bệnh có tạo ra các hạt khí dung như gây mê, đặt nội khí quản... có nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu người hành nghề tuyệt đôi tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn. Chỉ thực hiện những kỹ thuật này khi đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ chuyên dùng. Đồng thời, tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng cho người thực hiện. Chú ý bố trí khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế cách xa khu vực cách ly và điều trị người bệnh. Nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện có điều trị Covid-19 nói chung và các khu cách ly nói riêng cần hạn chế tối đa đến các khu vực đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhân viên y tế ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn cho bản thân. Hãy đánh giá và sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân và các biện pháp dự phòng lây truyền qua hạt dịch tiết khi tiếp xúc với người bệnh (trang bị phòng hộ cá nhân như khẩu trang phẫu thuật, mũ, găng, kính bảo vệ mắt nếu cần). Trong trường hợp đặc biệt, cần chuẩn bị trước các thiết bị này để đảm bảo về thời gian, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng lây chéo. Trước khi đặt nội khí quản, hãy chuẩn bị, làm thử các thao tác đeo và gỡ các trang bị phòng hộ như khẩu trang N95, găng, quần áo, mũ và găng tay dùng một lần. Chú ý tránh bị nhiễm bệnh từ chính trang bị phòng hộ.
Đặc biệt, các bệnh viện phải cử bác sỹ gây mê có kinh nghiệm nhất để thực hiện việc đặt nội khí quản nếu có thể. Tránh đặt nội khí quản qua ống nội soi sợi quang trên người bệnh tỉnh trừ khi có chỉ định cụ thể. Sự bay hơi của các thuốc tê sẽ khuếch tán vi rút. Có thể cân nhắc sử dụng đèn soi gắn video.
Chuẩn bị quy trình đặt nội khí quản theo trình tự nhanh và đảm bảo rằng nhân viên hỗ trợ đủ kỹ năng để thực hiện kỹ thuật ép sụn thanh quản. Cân nhắc điều chỉnh các bước thực hiện, nếu người bệnh có chênh lệch lớn ô xy phế nang mao mạch mà không chịu được thời gian ngừng thở 30 giây hoặc có chống chỉ định dùng thuốc Succinylcholine. Nếu có thể bóp bóng bằng tay, nên bóp với thể tích lưu thông thấp. Sử dụng 5 phút hỗ trợ ô xy với hàm lượng ô xy 100% và đặt nội khí quản theo trình tự nhanh, nhằm tránh việc phải bóp bóng bằng tay và nguy cơ phát tán virus từ đường thở của người bệnh…/.