Và không ít trường hợp suýt mất mạng vì cách “vượt cạn” này.

Cứ khoẻ thì... tự đẻ

Tại Trung tâm y tế xã Can Hồ, tiếng trẻ con kêu khóc vì sợ bị tiêm. Những ông bố, bà mẹ tay bồng tay bế con xếp hàng, vừa dỗ dành, vừa dọa nạt để lũ trẻ ngồi yên cho y tá tiêm phòng.

Người phụ nữ Hà Nhì Vàng Xé Pư, 25 tuổi, ẵm trên tay cậu con trai 1 tuổi kháu khỉnh. Nhìn Pư, chẳng ai nghĩ chị đã có 3 đứa con. Chị hồn nhiên bảo ở bản Nậm Lọ B của mình, nhiều phụ nữ cũng tự sinh con tại nhà như mình: “Hai đứa đẻ ở nhà, một đứa đi đẻ trên huyện. Mỗi đứa cách nhau 2 - 3 tuổi. Nhiều người cũng thế mà. Đau lúc nào là đẻ thôi”. 

vuot_can_juzv.jpg
Vì nghèo khó, hủ tục..., nhiều phụ nữ ở Can Hồ đã và đang chọn cách tự đẻ ở nhà.  
Thực tế sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có trường hợp chết cả mẹ lẫn con. “Có trường hợp mất mẹ, mất con rồi. Một số người mẹ đau đẻ, cứ để ở nhà, sau đưa vào huyện không kịp. Mổ ra đứa trẻ đã chết, chỉ cứu được mạng sống của mẹ. Y tế xã cũng tuyên truyền nhưng khỏe thì cứ đẻ ở nhà thôi - anh Vàng Xé Po, chồng của Vàng Xé Pư, nói.

Po hiện làm Trưởng ban công tác mặt trận của bản, bà con ở đây đều gọi anh là “cán bộ”. Nhưng suy nghĩ của anh cũng không khác chị vợ không biết chữ là mấy. Anh cười: “Tùy theo điều kiện sức khỏe của vợ. Đẻ được thì đẻ ở nhà, đỡ phải đi xã đẻ. Nếu đẻ khó mới phải đưa đi bệnh viện”.

Ngồi kế bên, chị Lỳ Xừ Khó, 40 tuổi, ở bản Nậm Lọ A, có đến 5 mặt con. Cả 5 đứa chị đều tự đẻ ở nhà: “Tự đẻ thôi mà. Tự vào buồng đẻ, chuẩn bị tã lót, tự cắt rốn cho con. 3 năm một đứa. Chả khó khăn gì cả”.

Cứ có sức khỏe, cảm thấy đẻ được là... đẻ ở nhà. Đó là thói quen không chỉ của chị Vàng Xé Pư, chị Lỳ Xừ Khó mà của nhiều phụ nữ dân tộc Hà Nhì ở Can Hồ. 40 - 50% phụ nữ đẻ tại nhà là con số Trung tâm y tế xã Can Hồ thống kê từ năm 2013 và vài năm trở về trước.

 Tự đẻ vì nghèo khó, hủ tục

Chị Vũ Thị Tâm, bác sĩ phụ trách Trung tâm y tế xã Can Hồ cho biết, tỷ lệ phụ nữ sinh con ở nhà khá cao một phần vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, một phần vì đi lại không thuận tiện. Chuyện đẻ dọc đường không phải là hiếm. Từ bản Nậm Lọ A, Nậm Lọ B, muốn đến trung tâm y tế xã, phải vượt gần 20km đường núi. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa đồi sạt lở, bản bị cô lập. Có những bản như Suối Voi, bà con đi lại bằng xuồng, bè. Cái giá cho mỗi lần cập bến không ít so với khoản thu nhập từ ngô, sắn.

“Mỗi lần đi lại mất 300.000 đồng/người để đi bè ra đây. Đi đẻ phải có người đi theo nữa nên phải mất hơn triệu. Có nơi như bản Nậm Lọ A, Nậm Lọ B, đồng bào không có phương tiện đi lại. Ra xã phải mất tiền xe ôm, người ta cũng không có tiền. Nói thật, nhiều khi chị em cũng không được ăn cơm đầy đủ, cuộc sống rất vất vả” - chị Tâm cho biết.

Chị Pờ Thúy Phượng, nữ hộ sinh của trung tâm y tế xã Can Hồ cho biết, đi lại khó khăn, hủ tục lạc hậu, dân cư sống không tập trung là những nguyên nhân khiến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa tốt. Câu chuyện về thai phụ Giàng Thị Suông, dân tộc Mông, ở đầu con suối Nậm Hạ, là kỷ niệm mà chị Phượng không thể nào quên trong cuộc đời làm nữ hộ sinh của mình: “Phượng đẻ đôi.

Đẻ ra một đứa rồi, còn một đứa mãi không thấy, thế là gọi tôi. Quãng đường lên trên đấy dài 18km, phải đi bộ. Trường hợp này phải xuống trạm, nhưng nhất quyết họ không xuống. Mình cũng không có cách nào. Tôi phải ở đấy đến 8 giờ tối, đỡ đẻ xong tôi mới về. Hôm sau tôi phải đi lên khám lại. Họ bảo người Mông ít gặp trường hợp đẻ đôi nên họ kiêng, phải làm lý (làm phép - PV) ở nhà. Mình có vận động thế nào họ cũng không đi lên trạm y tế”.

Cứ hình dung nếu nữ hộ sinh Pờ Thúy Phượng không đến kịp thì tính mạng cháu bé và người mẹ sẽ ra sao?

Hiệu quả từ mô hình y tá bản

Tình trạng tự đẻ ở nhà đến nay đã giảm đáng kể. Năm 2015, Can Hồ có 49 ca sinh nở thì 36 ca có cán bộ y tế đến nhà đỡ hoặc thai phụ ra trạm y tế sinh con. Đây là hiệu quả của mô hình y tá bản do Trung tâm y tế xã Can Hồ triển khai. Hiện 7 bản của xã, mỗi bản đã có riêng một y tá cắm chốt, thăm khám sức khỏe cho thai phụ.

Công tác truyền thông, vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu cũng được trung tâm y tế xã đẩy mạnh.

Chị Pờ Thúy Phượng tâm sự dù không có tiền hỗ trợ nhưng yêu nghề, các chị vẫn đi cơ sở. Có khi bỏ tiền túi mua kẹo để tuyên truyền.

Bằng những hành động thiết thực của các bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, người dân nơi đây đã hiểu và dần từ bỏ những tập tục lạc hậu. “Có trường hợp khi họ đến gọi mình đỡ đẻ cho họ, mình biết trước là gia đình đấy khó khăn. Khi mình xuống mình mang theo rau, gạo để động viên họ. Như thế, lần sau mình đi vận động người khác sẽ dễ hơn”  - chị Phượng chia sẻ.

Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, các cán bộ trung tâm y tế xã Can Hồ đã mang lại điều tốt đẹp cho phụ nữ nơi vùng khó. Hy vọng tương lai không xa, chuyện những phụ nữ miền sơn cước tự sinh con tại nhà chỉ còn trong câu chuyện của người già./.