Sáng nay (16/7), Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 6 có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận,... Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm.
"Tuy nhiên cho tới thời điểm này, thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. Dự báo thị trường lao động Việt Nam Quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người", ông Dũng cho biết.
Về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết cũng bị ảnh hưởng khi đại dịch bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, dù tình hình lao động việc làm có nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc, triển khai mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự đồng thuận từ Nhân dân, vấn đề giải quyết việc làm cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn. Các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các doanh nghiệp phương án hỗ trợ, thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm được duy trì dưới hình thức trực tuyến; trong 2 tháng 5, 6 và nửa đầu tháng 7 đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi đại dịch Covid-19.
Ước 6 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 574.000 người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 540.000 người, bằng 76,1% cùng kỳ; đưa trên 34.000 người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62,4%.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Bộ LĐTB&XH yêu cầu các địa phương cần tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt lao động hoặc ngừng hoạt động, phá sản.
Nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, sửa đổi điều kiện vay vốn và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 105 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm, Bộ LĐTB&XH cũng sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, giải pháp tạo việc làm gắn với nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số, lao động thuộc nhóm yếu thế.../.