Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 54 tuổi bị ung thư da.

Người đàn ông này cho biết, cách đây 10 năm, anh thấy nốt ruồi trên sống mũi và đi tẩy vì thiếu thẩm mỹ, không hợp phong thủy.

081116-1.jpg

 Ca phẫu thuật loại bỏ khối u trên mũi cho bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Khoảng 2 năm trở lại đây, nốt ruồi bắt đầu mọc lại, kèm theo biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, sưng đỏ, bật máu mỗi khi rửa mặt.

Thăm khám tại bệnh viện, kết quả sinh thiết vùng da cho thấy, bệnh nhân bị ung thư da và được chỉ định phẫu thuật, điều trị.

Ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ loại bỏ thành công khối u có kích thước khoảng 1,5 cm trên mũi bệnh nhân. 

Theo bác sĩ Hứa Văn Đức - Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, yếu tố quan trọng để xác định bản chất của khối u lành hay ác tính là thực hiện giải phẫu bệnh, sinh thiết tế bào, từ đó có phương án điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Bệnh nhân không nên tự ý tẩy xóa các nốt ruồi ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, mọi người cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và được bác sĩ khám, tư vấn kỹ trước khi xử trí.

Bác sĩ Tẩn A Pao - Phó trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng cho biết, những nốt ruồi thường xuyên bị lở loét, không liền, to lên là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Vì vậy, nếu thấy nốt lạ nổi lồi trên da rõ nét thì người dân nên đến các cơ sở y tế kiểm tra, để sớm có biện pháp can thiệp, điều trị.

"Các khối u ác tính thường phát triển nhanh chóng về kích cỡ hoặc độ lớn. Một nốt ruồi cứ lớn dần, đổi màu, gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc chảy máu thực sự là dấu hiệu đáng báo động của ung thư", bác sĩ Pao nhấn mạnh./.