Tiến sĩ, Thạc sĩ giấy ở nước ta đông lắm. Đội ngũ này có đến mấy trăm ngàn người. Nói đến Tiến sĩ, Thạc sĩ, là nói đến những nhà khoa học. Và đã là nhà khoa học thì phải có những phát minh. Họ phát minh được những gì?
Trả lời câu hỏi này, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: Không có gì cả! Đến nay, về cơ bản, chúng ta vẫn chưa tự sản xuất ra được một cái đinh ốc. Bé đến như cái kim, chúng ta vẫn phải nhập của nước ngoài. Trong khi đó chúng ta có rất nhiều phát minh, sáng chế của các “nhà khoa học chân đất”. Đặc biệt là các cỗ máy nông cụ. Những nhà phát minh này tuyệt không có ai là Tiến sĩ, Thạc sĩ. Họ chỉ là những nông dân thất học. Có người mới lớp 5, lớp 7. Nghĩa là họ còn chưa có cả bằng tốt nghiệp Phổ thông.
anh_hat_dhuw.jpg
"Anh Hát đang thử nghiệm chiếc máy gieo hạt". Ảnh tư liệu
Mới đây nhất là anh Phạm Văn Hát, người cũng chỉ học hết lớp 7. Anh Hát sinh năm 1972, ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Vốn là một nông dân năng động, ngay từ năm 2007, anh đã bỏ ra cả một khoản tiền rất lớn để trồng rau sạch. Nhưng rồi, trong đời sống chụp giật, muốn làm ăn tử tế khó lắm. Những người ký kết hợp tác với anh cũng chỉ lấy cớ để đưa các loại sản phẩm giả danh rau sạch của họ vào các siêu thị. Còn rau sạch thực sự của anh thì chẳng biết bán cho ai. Mà rau sạch thật sự, không có chất bảo quản thì không thể để lâu được. Thế là cả gia đình anh khốn đốn kiệt quệ vì làm người tử tế.
Vậy mà lại nghe nói ở Israel, có người cũng chỉ trồng rau như anh thôi mà mỗi năm thu được đến cả mấy tỷ đồng tính theo tiền Việt Nam. Thế thì anh phải ra đi. Phải cắp tráp tìm họ để học họ. Dù vỡ nợ, mất đến 3 tỷ đồng trong việc trồng rau sạch, anh vẫn liều, mượn thêm 200 triệu nữa để lần sang đất nước Israel. Anh đi, không chỉ đơn thuần bán sức lao động kiếm tiền trả nợ. Mà quan trọng hơn, anh muốn học kinh nghiệm, muốn xem thiên hạ người ta làm thế nào mà có nhiều tiền thế.
Đến Israel, anh Hát ngạc nhiên khi thấy một đất nước rất văn minh hiện đại mà vẫn còn phải làm nhiều công đoạn thủ công. Anh muốn chế tạo cho họ một chiếc máy rải phân. Chỉ mới đặt vấn đề thế, ông chủ đã đồng ý ngay và cấp vốn cho anh nghiên cứu. Sau vài tháng, chiếc máy đã được anh chế tạo thành công, đưa ra các cánh đồng thử nghiệm thì thấy hiệu quả rất tốt. Anh được chủ trang trại thưởng hơn 200 triệu đồng tính theo tiền Việt Nam. Nhà nước Israel lập tức ghi nhận sáng chế của anh, đã mua ngay bản quyền để sản xuất hàng loạt cung cấp cho nông dân toàn quốc. Anh Hát lại tiếp tục chế tạo, cải tiến thêm nhiều loại máy móc cho ông chủ của mình. Ông chủ cũng quyết định nâng lương anh lên gấp 2,5 lần, từ 1.000 USD lên 2.500 USD bằng hơn 60 triệu tiền Việt Nam. Đấy là một số tiền không nhỏ đối với một nông dân. Nhưng chính lúc được ưu ái đặc biệt ấy, anh quyết định trở về Tổ Quốc. Nhiều người tiếc cho anh. Nhưng anh không tiếc. Anh nghĩ, mình đã làm được 2.500 USD ở xứ người thì chắc cũng có thể làm được 1.000 USD ở Tổ Quốc của mình. Anh muốn đi lên từ chính mảnh đất quê mình. Rồi còn giúp bà con cô bác nông dân nữa. Nước mình còn rất khổ. Và khổ nhất là nông dân…
Ở nhà, người anh của anh Hát, cũng là chủ một trang trại rau, rất muốn có một cái máy gieo hạt để giảm tải ngày công lao động cũng như nâng cao năng suất gieo hạt. Ở quê bây giờ, người trẻ bỏ làng đi hết. Ở lại toàn các cụ già. Người già mắt kém, sức vóc cũng kém. Cần có máy hỗ trợ cho họ. Máy càng đơn giản càng tốt. Làm sao phải dễ sử dụng, vận hành để bất cứ ai cũng thao tác được. Thế là anh bắt đầu nghiên cứu, sáng chế máy mà anh gọi là con rô-bốt đặt hạt.
Và sản phẩm mới ra đời. Con rô-bốt rất đơn giản, không cần rơ-le, cũng không cần chíp điện tử, nhưng hiệu xuất chưa phải đã cao, năng suất cũng chỉ đạt được khoảng 50% so với dự tính. Anh tiếp tục nâng cấp, cải tiến. Bây giờ đã thành công mỹ mãn. Con rô-bốt của anh có thể xử lý tinh vi chính xác, tuỳ theo ý muốn của người sử dụng. Nghĩa là nó có thể đặt hạt chính xác khoảng cách 2 hoặc 3 cm, và vận hành thuần thục trên mọi địa hình của cánh đồng kể cả trên những triền núi cao, thay thế cho khoảng 40 người làm việc cật lực.
Rô-bốt đặt hạt sau 2 năm nghiên cứu, cải tiến đã vượt ra khỏi lũy tre làng ở xã Ngọc Kỳ, sang tận Đức, Mỹ, Singapore, Thái Lan... bằng nhiều cách khác nhau. Hầu hết khách hàng các nước mua qua mạng internet. Nhiều người tìm đến Đại sứ quán của Việt Nam ở các đất nước họ hỏi tác giả của rô-bốt đặt hạt, xin số liên lạc để đặt mua. Người ở đại sứ quán Việt Nam tại các nước lại tìm cách kết nối về xã, xin địa chỉ, số điện thoại, thậm chí còn giúp phiên dịch để các giao dịch đặt hàng thành công ngay lập tức. Mỗi chiếc máy xuất khẩu, anh Hát cũng chỉ bán với giá 2.500 USD. Đấy là cái giá bình dân.

Việt Nam có quá nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ giấy không tạo ra bất kỳ sáng chế, phát minh có thể áp dụng vào thực tiễn.
Nông dân của chúng ta thế đấy. Họ là những nhà khoa học đích thực. Nhà khoa học chân đất. Trong khi chúng ta có rất nhiều viện khoa học, với rất nhiều nhà khoa học có bằng cấp cao, mỗi năm ngốn không biết bao nhiêu tiền của dân, nhưng không biết họ làm được những gì. Hồi Bác Hồ còn sống, với những người tốt, làm được việc tốt, dù chỉ đơn giản là nhặt được của rơi, trả lại người mất, Bác cũng mời lên gặp, hay viết thư thăm hỏi, rồi tặng quà, tặng Huy hiệu của Người. Bây giờ, hầu như chẳng có ai quan tâm đến những người tốt. Đấy là điều rất đáng buồn.
Lẽ ra, với những người có tài năng đặc biệt như thế, chúng ta cần tập hợp họ lại, rồi có sự quan tâm đặc biệt, bằng cách cấp vốn hoặc cho vay ưu đãi để họ nghiên cứu, sáng chế. Rồi sau đó, các viện khoa học cần hợp tác với họ trong việc sản xuất những cỗ máy đại trà, trước hết là giúp cho người nông dân trong nước bớt đi bao nhọc nhằn, vất vả, sau đó là xuất khẩu đi các nước. Một sáng chế tuyệt diệu như thế với nhãn hiệu “Sản xuất tại Việt Nam” không phải là hay lắm sao?